Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, toàn TP.HCM có 282 hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/2000 cần phải lập mới hoặc điều chỉnh...
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, toàn TP.HCM có 282 hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/2000 cần phải lập mới hoặc điều chỉnh. Trong số này, mặc dù có 92,2% đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được thẩm định nhiệm vụ nhưng số đồ án được phê duyệt chỉ mới đạt 23,5%.
Quá chậm!
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM khẳng định: "Quy hoạch 1/2000 rất quan trọng vì trên đó có quy hoạch sử dụng đất, là cơ sở để kêu gọi đầu tư phát triển và thực hiện các quyền của người dân. Do vậy, đây là nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu tốc độ xử lý phải nhanh nhưng cũng phải thận trọng vì không thể để xuất hiện nhiều đồ án quy hoạch có chất lượng kém".
Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM về công tác quy hoạch ngày 31.7, nhiều đại biểu cho rằng, mọi hoạt động đầu tư xây dựng tại TP.HCM lệ thuộc rất nhiều vào số lượng đồ án 1/2000 nhưng mới chỉ có 1/4 số đồ án 1/2000 được phê duyệt là quá ít và quá chậm. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bức xúc: "Việc lập và thẩm định quy hoạch chậm hoặc quy hoạch không hợp lý là lực cản rất lớn cho nền kinh tế. Nhiều đồ án quy hoạch "treo" cũng làm mất ổn định cuộc sống của người dân".
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách phê bình: "Sở QH-KT đã ít nhất 3 lần hứa với HĐND TP.HCM là sẽ phủ kín quy hoạch TP.HCM nhưng bây giờ vẫn làm chưa xong, tỷ lệ tổ chức lập và phê duyệt đồ án quy hoạch 1/2000 mới chỉ đạt 23,5% là quá thấp. Báo cáo của Sở QH-KT cũng chưa đánh giá những vấn đề làm được hoặc chưa được, vì sao chậm, vướng mắc ở đâu... Trong khi người dân và các nhà đầu tư rất nóng lòng chờ đợi quy hoạch 1/2000 thì lại làm chậm, khiến cho vấn đề ngày càng nổi cộm, nhức nhối".
Lực lượng vừa thiếu, vừa yếu
Về vấn đề quy hoạch "treo", ông Nguyễn Trọng Hòa nói: "5 - 7 năm về trước, nhiều đồ án quy hoạch có một nhầm lẫn rất lớn là khi vẽ quy hoạch cứ trộn lẫn những khu dân cư hiện hữu với đất nông nghiệp trong một đồ án. Cứ vẽ quy hoạch khi chưa đo đếm được khả năng đầu tư, không tách biệt ra rằng khu dân cư ổn định là phải giữ lại, còn chỉ quy hoạch dự án trên đất nông nghiệp thôi. Hậu quả là đồ án quy hoạch bị "treo" rất nhiều và "treo" luôn quyền lợi của người dân, bây giờ chỉnh sửa rất khó khăn vì nhà cửa đã mọc lên rất nhiều". Ông Hòa cũng cho rằng: Có một thực tế là ngoài lực lượng quá mỏng, năng lực cán bộ làm công tác quy hoạch còn yếu kém.
Về lực lượng làm quy hoạch, ông Hòa cho biết Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM (thuộc Sở QH-KT) có 91 cán bộ - nhân viên, nhưng làm nhiều việc như vừa điều chỉnh quy hoạch chung các quận, huyện; vừa tham gia vẽ các đồ án quy hoạch 1/2000 và 1/500 cho các dự án lớn của TP.HCM. Còn lực lượng tư vấn được các quận, huyện thuê làm đồ án quy hoạch thì vừa thiếu, vừa yếu về trình độ làm quy hoạch.
Nhiều đại biểu băn khoăn: Có nên phân cấp lập và phê duyệt quy hoạch về cho các quận, huyện? Ông Hòa trả lời: "TP.HCM quá lớn nên phải phân cấp cho chạy việc. Nếu không phân cấp thì Sở QH-KT phải có 1.000 cán bộ mới làm nổi công tác quy hoạch. Thay vì như thế, chỉ giữ lại cho Sở 100 cán bộ, còn mỗi quận, huyện 30 cán bộ và phân cấp làm quy hoạch là hợp lý".
Theo Thanh Niên