Sở Xây dựng: Chung cư Tp.HCM còn nhiều vấn đề phức tạp, khó kiểm soát

Cập nhật 07/12/2020 11:50

Theo Bộ xây dựng, kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành với chung cư thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Theo Bộ xây dựng, kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành với chung cư thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý trong thời gian tới.



Mới đây, Sở Xây dựng Tp.HCM đã có góp ý dự thảo để hoàn chỉnh báo cáo một số thực trạng, giải pháp, biện pháp quản lý về cư trú tại các chung cư trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn TP có nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm khó kiểm soát tại chung cư. Cụ thể, các chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 thiếu nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng; các hệ thống phòng cháy và chữa cháy, cấp điện, cấp thoát nước; kết cấu công trình xuống cấp sau hơn 20 năm sử dụng nhưng không có kinh phí bảo trì, sửa chữa do hầu hết các chung cư này không có quỹ bảo trì phần sở hữu chung. Việc huy động kinh phí bảo trì trong cư dân thường gặp nhiều khó khăn.

Kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành với chung cư thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý trong thời gian tới. Nhiều nhà chung cư xây dựng trước Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực nên không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định của tiêu chuẩn hiện hành.

Bên cạnh đó, công tác cải tạo, sửa chửa chung cư cũ; di dời, tháo bỏ chung cư cũ để xây dựng mới, thay thế chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình, kế hoạch đặt ra.

Liên quan đến công tác quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư còn nhiều tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung riêng; bàn giao phí bảo trì, hồ sơ nhà chung cư; hoạt động ban quản trị; chủ đầu tư xây dựng không phép, sai phép; chủ đầu tư tự chuyển đổi công năng một số hạng mục; chậm cấp sổ hồng…

Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật nhà ở năm 2014 sẽ cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện. Về lâu dài, kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay, việc hình thành quỹ bảo trì sẽ do ban quản trị chung cư thu trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định. Phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định diện tích để xe đạp, xe cho người tàn tật, xe hai bánh, xe ô tô và hướng dẫn cụ thể về mô hình hoạt động của ban quản trị.

Trong thẩm quyền và chức năng, Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tranh chấp khiếu nại về việc chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sử dụng chung; giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích cụ thể phần sở hữu, sử dụng chung – riêng; nghiệm thu, đánh giá chất lượng xây dựng; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng nhà chung cư.

DiaOcOnline.vn – Theo NSKT