Sở Quy hoạch-Kiến trúc trả lời về kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng

Cập nhật 15/09/2007 14:00

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có Công văn số 389/QHKT-TH giải trình với UBND thành phố về công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn...

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có Công văn số 389/QHKT-TH giải trình với UBND thành phố về công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn.

Trước đó, Bộ Xây dựng có kết luận số 1701/BXD-TTr cho rằng hầu hết các quy hoạch chi tiết trên  địa bàn thành phố được lập còn sơ sài, quy trình  thẩm  định,  phê duyệt chưa đúng; việc công bố quy hoạch và cắm mốc giới thực địa không được thực hiện tốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện khi thực hiện dự án...

Theo báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc gửi UBND thành phố, thì nhiều kết luận của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch tại Hà Nội có nhiều điểm chưa xác đáng hoặc thiếu chính xác.

Chẳng hạn thông tin “hầu hết quy hoạch lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật vì thực hiện thành 2 bước và ban hành 2 quyết định phê duyệt”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng thực tế cũng không có quy định nào của pháp luật cấm việc tách đồ án quy hoạch thành 2 bước. Thành phố đã vận dụng linh hoạt và cách làm này phù hợp với điều kiện đặc thù, đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển, quản lý xây dựng của Thủ đô. Nhờ đó, chỉ trong vòng hơn 3 năm, 12 quận, huyện trên địa bàn đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Mặc dù có một số quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (HTKT) triển khai còn chậm, nhưng Hà Nội vẫn là đô thị đầu tiên trong cả nước phủ kín quy hoạch chi tiết quận, huyện.

Về nội dung “hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết quận, huyện tỷ lệ 1/2000, 1/5000 thiếu bản đồ tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan (mặt bằng và các mặt đứng triển khai) hoặc nếu có cũng sơ sài”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng khẳng định thành phố không làm sai quy định và phù hợp yêu cầu thực tế quản lý tại Hà Nội. Kết luận “các quy hoạch chi tiết đã lập chưa phải là quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh” cũng không xác đáng vì một số quận huyện (huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân...), phần HTKT đã được phê duyệt, như vậy hồ sơ là đầy đủ, hoàn chỉnh theo quy định.

Về ý kiến “các cấp trên địa bàn thành phố chưa thực hiện tốt việc công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết dưới nhiều hình thức khác nhau để dân biết”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định, khi quy hoạch được duyệt, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư tổ chức hội nghị công bố - bàn giao có đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang web, triển lãm, cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.

Việc công bố hoàn toàn phù hợp với Điều 39 của Nghị định 08/CP. Ngoài ra, một số địa phương đã niêm yết thường xuyên hồ sơ, bản vẽ quy hoạch được duyệt tại trụ sở UBND, trong khi Bộ Xây dựng cũng chưa có quy định, hướng dẫn “các hình thức đa dạng khác...” để địa phương vận dụng.   Việc kết luận “chưa triển khai thực hiện cắm mốc giới ngoài thực địa... gây bức xúc và khiếu kiện kéo dài của nhân dân khi thực hiện đầu tư dự án” cũng là kết luận chưa xác đáng. Bởi theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thực tế tại Hà Nội, việc khiếu kiện trong lĩnh vực xây dựng đô thị chủ yếu liên quan đến chính sách giải phóng mặt bằng, liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều luật khác nhau. Ngoài ra, một số kết luận khác của Đoàn thanh tra cũng chưa chính xác hoặc chưa hiểu đúng cách diễn đạt của thành phố.

Đối với kiến nghị của Đoàn Thanh tra về việc “Hà Nội chủ động và khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển”, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô và Phương án mở rộng ranh giới hành chính để Hà Nội có cơ sở triển khai tiếp Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc lập, phê duyệt và điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng liên quan.

>> Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội: Kết luận của Bộ Xây dựng chưa xác đáng

>> TP Hà Nội không thực hiện đầy đủ công khai qui hoạch

Theo Y.L - Hà Nội Mới