Sở hữu nhà có thời hạn - Nên hay không?

Cập nhật 02/10/2013 16:52

Thực tế cho thấy, thời hạn sở hữu nhà ở 70 năm cũng là gần hết cuộc đời một con người. Tuy nhiên, so với việc sở hữu không thời hạn thì lại là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Thực tế cho thấy, thời hạn sở hữu nhà ở 70 năm cũng là gần hết cuộc đời một con người. Tuy nhiên, so với việc sở hữu không thời hạn thì lại là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ là 70 năm?

Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến góp ý đã sửa đổi một nội dung quan trọng về sở hữu nhà chung cư. Cụ thể, có hai phương án, một là không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư như hiện nay. Phương án hai là với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu nhà chung cư  là 70 năm. Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê. Trường hợp chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì sở hữu nhà chung cư là không có thời hạn.

Cùng với nội dung mới trong Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, tại thị trường TP HCM, đã có một số dự án như Lê Thành Twin-Towers đang chào bán loại căn hộ cho thuê 15 năm với giá trọn gói 240 triệu đồng, cho thuê 49 năm với giá 350 triệu đồng. Một số chủ đầu tư khác cũng đang triển khai dự án chung cư sở hữu có thời hạn, cho thuê dài hạn.

Thực ra với những người đang có nhu cầu về nhà ở, thì việc bỏ ra vài trăm triệu đồng để thuê (thực ra là mua) nhà trong 15, 20 năm là cả sự tính toán “đau đầu”. Bởi với số tiền thuê mua hiện tại, họ chưa thể mua được nhà ở, nhưng trả tiền thuê 1 lần cho 15 năm sau thì giá thuê (mua) này không thể được xem là rẻ. Chưa kể, với các qui định pháp luật hiện hành, người mua nhà sở hữu có thời hạn rất khó được bảo đảm an toàn pháp lý. Dù trả một khoản tiền lớn gần như mua, nhưng vẫn là nhà thuê, nên người thuê chỉ có quyền sử dụng có thời hạn, mà không có quyền mua bán lại quyền đó. Do đó, nếu có tranh chấp thì người mua sẽ chịu thiệt, hay khi không còn nhu cầu thuê nữa thì việc phá vỡ hợp đồng thuê mua cũng không tránh khỏi việc bị “phạt”.

Luật Nhà ở sửa đổi đang đề ra phương án  sở hữu chung cư có thời hạn.    
Ảnh: TL

Băn khoăn

Đây là thuê mua ngắn hạn, còn ngay cả hình thức sở hữu chung cư có thời hạn đến 70 năm theo Luật Nhà ở sửa đổi cũng đang gây nhiều tranh cãi. Thực ra, năm 2011, Bộ Xây dựng cũng từng đưa ra ý tưởng sở hữu chung cư có thời hạn 50 năm, nhằm đa dạng hóa hình thức sở hữu chung cư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư sẽ đầu tư lâu dài hay có thời hạn, còn người có nhu cầu nhà ở cũng thêm cơ hội lựa chọn phù hợp điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, ý tưởng này của Bộ Xây dựng đã không nhận được đồng tình, nên đến nay, Bộ này mới tiếp tục đưa vào Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, qui định này là phù hợp, bởi phần lớn các nước đều qui định chung cư là loại nhà ở có thời hạn sở hữu nhất định chứ không phải vĩnh viễn. Còn nhiều chủ đầu tư khẳng định, việc luật quy định sở hữu căn hộ có thời hạn là một biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người mua chứ không phải là giảm quyền lợi của người mua.

Thực tế cho thấy, thời hạn sở hữu nhà ở 70 năm cũng là gần hết cuộc đời một con người. Tuy nhiên, so với việc sở hữu không thời hạn thì lại là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khi mua nhà sở hữu không thời hạn, người ta có thể để lại cho đời con cháu, và đây vốn là truyền thống của người Việt. Còn nếu mua có thời hạn, khi hết hạn mua là phải trả lại, dù luật qui định sẽ được bố trí tái định cư, nhưng 70 năm sau, người dân vẫn lo ngại không biết chính sách về tái định cư thay đổi như thế nào, có bất lợi cho người mua hay không?

Vì thế, khá nhiều ý kiến tỏ ra không mặn mà với việc mua chung cư có thời hạn sở hữu. Còn về lý do sở dĩ phải qui định sở hữu 70 năm là vì sau thời gian này, hầu hết các nhà chung cư đều xuống cấp, cần cải tạo, nâng cấp để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thì nhiều người cho rằng, để nâng cấp, cải tạo thì chỉ cần có chính sách phù hợp là người dân đồng thuận, chứ “hạn chế” thời hạn sở hữu không hẳn là biện pháp hợp lý!

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật xã hội