Chiều 20/2, phiên họp thường kỳ của UBND TP. Hà Nội tháng 2 đã cho ý kiến về chính sách hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền đối với các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, hầu như các hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận nhà tái định cư đều bán đi để hưởng chênh lệch và mua nhà ở nơi khác. Nguồn: Internet
|
Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố, lý do đề xuất giải pháp hỗ trợ tái định cư bằng tiền là qua điều tra xã hội học, hầu như các hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận nhà tái định cư đều bán đi để hưởng chênh lệch và mua nhà ở nơi khác, phù hợp hơn với điều kiện sống, làm việc, học tập. Trong khi đó, quỹ nhà tái định cư của thành phố luôn khan hiếm. Nếu được áp dụng chính sách hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền sẽ giúp giảm được áp lực về quỹ nhà tái định cư cho thành phố.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các sở, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ tái định cư bằng tiền đối với Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, đây là chính sách có tính chất bổ sung cho chính sách hiện hành, đối tượng áp dụng là những người được mua nhà tái định cư nhưng không có nhu cầu và tự lo được nhà, tự nguyện nhận tiền hỗ trợ thay vì nhận nhà. Về đơn giá, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Sở Tài chính cùng các ngành cần tính toán, đưa ra cơ sở tính giá cụ thể dựa trên giá thành xây dựng, giá bán của thành phố áp dụng cho các đối tượng được mua nhà tái định cư.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, tập thể UBND thành phố đã nghe báo cáo bổ sung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố năm 2013; dự thảo Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của TP Hà Nội trong việc quản lý các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố sau cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư. Với 4 chương, 17 điều, dự thảo Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của TP Hà Nội trong việc quản lý các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố sau cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư quy định rõ việc phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh, xử lý vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai và hoạt động của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài… Tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu là quy chế phải bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp, khắc phục việc không thể quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, yêu cầu bổ sung, làm rõ thêm một số cách thức nhằm tăng hiệu quả phối hợp như phối hợp theo chuyên đề cụ thể, phối hợp cung cấp và chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra giám sát hoạt động của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư…
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới