Tại công trường dự án HQC Plaza - một trong những dự án được chuyển đổi sang nhà ở xã hội
|
Ngày 19-11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về tiến độ triển khai gói 30.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng vấn đề quan trọng không phải là nhanh hay chậm mà phải đúng đối tượng.
Từ nay đến năm 2020 cả nước cần hơn 1 triệu căn hộ, trong đó TP Hà Nội cần hơn 100.000 căn, TP. HCM hơn 100.000 căn, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh cần xấp xỉ 100.000 căn... Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng muốn đáp ứng được cầu thì phải có cung. Vấn đề là cung nhà ở xã hội rất ít. Muốn giải ngân nhanh gói 30.000 tỉ đồng phải có nhà, trong khi nguồn cung đang thiếu thì có muốn nhanh cũng không được.
* Ngoài chuyện thiếu nguồn cung, nhiều người dân cũng kêu khó tiếp cận gói hỗ trợ do thủ tục khó khăn, kéo dài, thưa ông?
Ngay cả khi có nhà rồi phải đúng đối tượng. Bởi vì đây là gói hỗ trợ của Nhà nước, nếu không đúng đối tượng sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để tham nhũng, làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước. Cho nên phải có các quy định rất cụ thể, không thể đơn giản được. Nhưng không phải vì thế mà làm chậm, phải chặt về đối tượng, chặt về tiêu chuẩn nhưng phải làm nhanh. Cái này trách nhiệm không chỉ của Bộ Xây dựng mà cả của ngân hàng và các địa phương cũng phải vào cuộc để hỗ trợ người dân.
Chẳng hạn, anh khai là chưa có nhà ở, người kiểm tra chứng nhận cho anh phải đi kiểm tra. Nếu trách nhiệm của chính quyền địa phương thì cán bộ ở đó phải đến xem là có thực hay không, phải chủ động quan tâm. Theo tôi, ở đây có phần trách nhiệm của ngân hàng, địa phương và cả các chính sách hướng dẫn.
* Nhiều chủ dự án nhà ở thương mại muốn chuyển sang nhà ở xã hội cũng gặp vướng về thủ tục hành chính, bộ có thành lập đoàn đi kiểm tra để có chính sách tháo gỡ?
Chúng tôi đã và đang kiểm tra, tập hợp những vướng mắc mà doanh nghiệp phản ảnh để có phương án xử lý thích hợp, theo kiểu vừa động viên các doanh nghiệp vừa cùng các địa phương tháo gỡ những cái này. Trong những ngày tới sẽ có một nghị định về nhà ở xã hội được ban hành, trong đó có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hơn.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trước hết phải hạn chế sự lệch pha cung - cầu, hướng bất động sản thực hiện theo mục tiêu chiến lược nhà ở. Đó là cải thiện nhà ở cho người dân, không chỉ có người giàu mà cả người nghèo, người khó khăn, tất cả đối tượng trong xã hội đều phải được cải thiện nhà ở. Đối tượng được quan tâm nhiều nhất là người nghèo. Trước đây, nhiều dự án nhà ở cao cấp quá, bây giờ chuyển sang dự án nhà ở xã hội, tạo mọi điều kiện để các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội.
* Xu hướng xây dựng nhà ở xã hội nhiều liệu có tạo ra loại nhà mà trong tương lai chúng ta không mong muốn?
Không. Nhà ở xã hội hiện nay khác hoàn toàn với nhà ở xã hội chúng ta vẫn nghĩ như trước đây. Đây là loại nhà ở thị trường phi hàng hóa, tức có cung có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước. Có cạnh tranh tức người dân tiếp cận mua nhà này được mua với giá thấp hơn giá trị ở thị trường. Nếu doanh nghiệp nào làm nhà ở xã hội với chất lượng kém thì người ta không mua, cho nên cũng phải cạnh tranh.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ