Rào cản thị trường

Cập nhật 23/05/2013 15:04

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Nghị Quyết 19 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho biết từ khi có Luật Nhà ở, lĩnh vực nhà ở đã có bước phát triển đáng kể.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Nghị Quyết 19 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho biết từ khi có Luật Nhà ở, lĩnh vực nhà ở đã có bước phát triển đáng kể.


Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Từ năm 1999 đến nay diện tích nhà cả nước tăng gấp 2 lần (từ 709 triệu m2 lên 1,6 tỷ m2); diện tích nhà ở bình quân của người dân tăng từ 9,68m2 lên 19m2.

Hoạt động kinh doanh BĐS từ khi có Luật Kinh doanh BĐS ra đời đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào BĐS cũng tăng cao, tính đến 31-12-2011 cả nước có 303 dự án FDI về BĐS được cấp phép còn hiệu lực, trong đó 157 dự án 100% vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,9 tỷ USD (chiếm 25% vốn FDI vào Việt Nam).

Thu ngân sách từ BĐS cũng tăng đáng kể, từ 5.486 tỷ đồng vào năm 2002 tăng lên 67.000 tỷ đồng năm 2011; riêng năm 2011 tăng 27.000 tỷ đồng so với năm 2010. Việc sở hữu nhà tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng tăng đáng kể.

Đến nay đã có 121 tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu căn hộ chung cư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quy định về kinh doanh BĐS chưa phù hợp với thực tế…

Theo nhiều đại biểu, vẫn tồn tại nhiều bất cập về xác định điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch, dẫn đến không thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Luật dân sự và Nghị định 71 của Chính phủ có thể thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

Quy định các căn hộ đã bàn giao nhưng chưa có chủ quyền không được chuyển nhượng ảnh hưởng rất lớn đến giao dịch nhà đất. Về quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn cứng nhắc, nhiêu khê, hạn chế đối tượng tham gia giao dịch.

Một cản ngại khác là Nghị định 71 không cho phép chuyển nhượng đối với nhà dự án dạng hợp đồng góp vốn, đã hạn chế cơ hội cho nhà đầu tư "lướt sóng" trên thị trường. Ngoài ra, tính công khai, minh bạch kém, những quy định về thu tiền sử dụng đất, cơ chế đầu tư nhà ở xã hội… đã tạo nên những cản ngại rất lớn cho thị trường phát triển.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở, những bất cập trên sẽ được tập hợp trình Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn Đầu tư