ở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho thành phố.
Thực ra, không phải đến bây giờ TPHCM mới khai thác không gian ngầm dưới lòng đất nhưng đây là lần đầu tiên thành phố tiến hành nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ và khoa học việc sử dụng không gian này. Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh nội dung nêu trên.
Một công trình thi công lắp đặt cống thoát nước tại quận 11
|
Sử dụng không gian ngầm hiệu quả, hài hòa với tự nhiên
* Thưa ông, việc lập đồ án quy hoạch không gian ngầm cho thành phố sẽ được bắt đầu như thế nào khi mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện hữu của thành phố không khác gì… ma trận, không ai có thể biết có những gì đang ở dưới lòng đất?
Ông Nguyễn Đình Hưng: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của TPHCM được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử: thời Pháp, thời Mỹ và sau năm 1975 chúng ta cũng đầu tư xây dựng rất nhiều. So với nhiều thành phố khác trên thế giới, khoảng thời gian như thế không phải là nhiều nhưng TPHCM có một điểm khác biệt, đó là hậu quả nặng nề của chiến tranh và những khó khăn kéo dài.
Chiến tranh đã phá hủy, làm thất lạc đi rất nhiều hồ sơ liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, đặc biệt là các hồ sơ từ thời Pháp thuộc. Chúng ta phải chấp nhận thực tế này và từng bước khắc phục nó bằng cách khảo sát thực địa, khôi phục và cập nhật hệ thống.
Trước mắt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp với các sở ngành, cơ quan chuyên môn, cập nhật những đồ án quy hoạch cũng như các thông tin hiện có về hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Ở đây, chúng ta cũng có may mắn là hầu hết các ngành có công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cơ bản đều đã có hoặc đang trình đồ án quy hoạch chuyên ngành của mình.
Đơn cử như ngành thoát nước thành phố đã có quy hoạch chung thoát nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002; ngành cấp nước đã lập đồ án quy hoạch cấp nước đến năm 2030 đang trình phê duyệt; ngành điện lực có quy hoạch tổng sơ đồ VI cung cấp điện Việt Nam; các ngành bưu điện, viễn thông… cũng có các kế hoạch phát triển qua từng thời kỳ…
Tuy nhiều đồ án trong số này mới chỉ dừng lại ở mức độ quy hoạch chung, chưa đi vào chi tiết nhưng đó cũng đã là những thông tin rất cơ bản và hữu ích giúp Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các sở, ngành chuyên môn tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm hạ tầng kỹ thuật cho thành phố.
* Địa chất TPHCM rất phức tạp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc dự kiến định hướng phát triển không gian ngầm của thành phố như thế nào để thích ứng với nền địa chất ấy?
Là một vùng đất có cấu trúc địa chất mới, đúng là nền địa chất của TPHCM rất phức tạp, nhiều khu vực nền đất yếu, song cũng chính vì vậy mà bên cạnh việc giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức nghiên cứu lập đồ án quy hoạch không gian ngầm, UBND TPHCM cũng đã giao cho Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì cùng các cơ quan và các chuyên gia nghiên cứu lập bản đồ địa chất, thuỷ văn công trình cho thành phố.
Trong quá trình lập quy hoạch phát triển không gian ngầm, nhất thiết Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ phải tham khảo số liệu, thông tin của hệ thống bản đồ địa chất, thủy văn công trình nêu trên như là một căn cứ quan trọng để đề xuất hướng phát triển hệ thống không gian xây dựng ngầm của thành phố một cách phù hợp, hiệu quả.
Yêu cầu chung được đặt ra là khai thác không gian ngầm để tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị nhưng hệ thống đó phải bền vững, thích ứng, hài hòa với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chia tải cho giao thông, các hoạt động công cộng trên mặt đất
* Không gian ngầm của thành phố sẽ được định hướng khai thác cho những hoạt động nào thưa ông?
Ở nhiều thành phố trên thế giới, không gian ngầm được khai thác và phát triển cho đủ loại hình dịch vụ đô thị phục vụ hoạt động của con người như giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian công cộng, thương mại, vui chơi giải trí….
Về cơ bản, định hướng chức năng hệ thống không gian xây dựng ngầm của TPHCM cũng sẽ tương tự như vậy. Tuy nhiên, trước mắt TPHCM cần phải ưu tiên cho việc phát triển ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách bền vững.
Tôi muốn nói đến sự bền vững ở góc độ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm cấp I, cấp II sẽ phải được quy hoạch sắp xếp, bố trí một cách khoa học để khi triển khai đầu tư, khai thác hoặc phải duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa… sẽ hạn chế đến mức tối đa việc phải đào bới mặt đường, giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động bên trên mặt đất.
Kết hợp một cách đồng bộ là các tính toán cho việc phát triển hệ thống giao thông metro đi ngầm, đường hầm chui, bãi đậu xe ngầm… thành một hệ thống liên hoàn, thống nhất, hiệu quả. Cùng với nó, các tầng không gian ngầm bên dưới các cao ốc cũng sẽ phải được nghiên cứu, có phương án liên thông với nhau và kết nối được với các công trình đầu mối giao thông, công trình công cộng để tạo thành một hệ thống giao thông mới nhằm bổ sung, tăng cường thêm năng lực giao thông trên mặt đất.
Cuối cùng là việc quy hoạch phát triển không gian xây dựng ngầm cũng được nghiên cứu cho việc hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí mang tính công cộng.
* Thưa ông, bao giờ tất cả những ý tưởng này sẽ được thể hiện trong các đồ án quy hoạch không gian ngầm và triển khai trong thực tế?
Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của các đơn vị tư vấn, kinh phí, tiến độ rà soát, kết quả khảo sát hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu của từng ngành, đặc biệt là việc lập bản đồ địa chất, thủy văn công trình của thành phố.
TPHCM có thể ưu tiên lập trước bản đồ này cho khu vực trung tâm, khu vực nội thành cũ và các khu vực khác dự báo có nhu cầu phát triển cao. Hiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang được giao chủ trì cùng các sở - ngành lập đề cương cho việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch. Tất cả các cơ quan liên quan phải cùng nỗ lực mạnh mẽ thì đồ án quy hoạch không gian ngầm mới sớm hình thành được.
* Cám ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng