Quy hoạch đô thị, “ngứa đâu gãi đó”

Cập nhật 12/04/2009 11:05

Ở nước ta, một thời, quy hoạch đô thị là một nghề quan trọng, thậm chí sang trọng. Khác với các nghề khác, quy hoạch đô thị có điều kiện tiếp cận những thông tin “được coi là mật”...

Ở nước ta, một thời, quy hoạch đô thị là một nghề quan trọng, thậm chí sang trọng. Khác với các nghề khác, quy hoạch đô thị có điều kiện tiếp cận những thông tin “được coi là mật”, được “các anh lớn” nói cho nghe “tình hình hiện nay và nhiệm vụ của chúng ta”.

Sau mỗi lần quy hoạch được thông qua, cảm giác nhiệm vụ đã hoàn thành, vừa làm xong một việc lớn, hữu ích, cho đất nước, cho nhân dân, là một cảm giác lâng lâng, khó tả.

Từ bao cấp đến thị trường


Thời quy hoạch đô thị của cơ chế “kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp”, Nhà nước vẽ, Nhà nước làm, nhân dân ăn theo, may nhờ rủi chịu. Mô hình kinh tế chỉ có hai hình thức sở hữu: quốc doanh và tập thể. Còn cách sống đô thị chủ yếu là chung cư (không quá năm tầng để có thể tự leo) với ba cấp phục vụ: tiểu khu, khu nhà ở và cấp thành phố.

Không có chuyện tự do xây nhà, mở quán, buôn bán, làm ăn. Mọi nhu cầu của dân đã có mậu dịch quốc doanh tính toán, từ ký đường, ký thịt, chai nước mắm, lưỡi dao cạo, ống kem đánh răng… Cuộc sống thị dân được “lập trình” từ thuở lọt lòng ở nhà hộ sinh đến lúc răng long đầu bạc (đã có một chỗ nằm quy hoạch trước nơi nghĩa trang thành phố). Anh công nhân mới tuyển vào biên chế, đến nhà khoa học mái đầu bạc trắng, đeo cặp kính to đùng, tiêu chuẩn ăn ở đã có ba-rem tính trước, cứ yên tâm làm việc, cống hiến đến khi từ giã cõi đời.

Cuộc sống giản đơn nên quy hoạch cũng đơn giản. Việc lớn có trên lo. Kiến trúc sư quy hoạch chỉ việc vẽ, một thao tác kỹ thuật thuần túy theo quy trình, ai cũng làm được, thành phố nào cũng đúc từ một khuôn, như sinh sản vô tính.

Đất nước còn nghèo, kinh tế chưa phát triển, lâu lâu, có chủ trương xây dựng một công trình gì đó, cần quy hoạch chỉ ra một địa điểm để cơ quan thiết kế nghiên cứu công trình, phục vụ cho đơn vị thi công đang đợi. Vì vậy phương châm ngành một thời “Quy hoạch phục vụ thiết kế - thiết kế phục vụ thi công”, khi nào ngứa mới gãi, không mang lại lợi ích gì nhiều, cũng chẳng tác hại bao nhiêu, chỉ tốn ít giấy mực và một số ngày công cán bộ. Mà cũng chẳng cần cán bộ giỏi làm gì. Vì có làm gì đâu mà cần người giỏi. Ai làm chả được. Đấy là lý do rất nhiều ông kỹ sư, kể cả không phải là kỹ sư, được giao làm viện trưởng các viện quy hoạch đô thị.

Tất nhiên, không thể phủ nhận cách làm quy hoạch kiểu “ngứa đâu gãi đó”, trong nhiều năm đã đáp ứng kịp thời một số không nhiều những nhu cầu bức thiết của đất nước khi vừa ra khỏi chiến tranh, bước vào cuộc sống đô thị, cái gì cũng thiếu. Ở một tỉnh miền Tây, quy hoạch được duyệt, dự báo đến 25 năm sau, nhưng tiền đâu thực hiện, thôi thì trải nhựa mỗi con hẻm vào nhà ông bí thư, vì trước khi lên chức bí thư, con hẻm nhà ông có hơi lầy lội. Hết nhiệm kỳ, ông bí thư khác lên, quy hoạch được làm lại, tiền làm quy hoạch ngân sách trung ương rót, làm lại cho mới.

Phải nói lại chuyện “biết rồi, khổ lắm…” này vì nó đang là một trong những nguyên nhân của nhiều “tồn tại” hôm nay. Tàn dư của cách nghĩ, cách làm một thời. Từ ngày “Đổi mới” theo cơ chế thị trường, toàn xã hội tham gia công cuộc “dân giàu - nước mạnh”, kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng, hội nhập, phấn đấu đến năm 2020 đứng vào hàng ngũ những quốc gia hiện đại, trong đó có những thành phố hiện đại, quy hoạch đô thị đâm rối. Giống như một nghệ sĩ được đào tạo theo ngành cải lương, nay “đùng một cái” chuyển sang nhạc trẻ, pop, rock. Cũng hệ thống loa, micro, dàn kèn, dàn trống ấy, nhưng khúc thức, tiết tấu, giai điệu đã khác, cho nên không thể tránh được rối ren.

Không như trước đây, mỗi năm xây dựng vài ba công trình. Nay vốn liếng dồi dào, nguồn đầu tư phong phú, gần như cùng lúc, không chỉ một vài chỗ ngứa, mà ngứa toàn thân. Nhưng gãi thế nào để không gây thương tích, cơ thể phát triển lành mạnh, là việc làm của quy hoạch đô thị. Tức là phải có phương pháp. Nhưng phương pháp nào?

Ông tiến sĩ học ở Mỹ về, khuyên nên làm theo cách Mỹ. Ông tiến sĩ khác học ở Nhật về lại khuyên làm theo cách của Nhật. Nhiều ông tiến sĩ đi học ở nhiều nước, cho nhiều lời khuyên, rút cục không biết theo ông nào! Đã không biết theo ai thì tốt nhất ta lại làm như cũ. Dự thảo “Luật Quy hoạch” chuẩn bị trình Quốc hội là điển hình cho cách nghĩ cũ, cách làm cũ, trong khi thực tiễn cuộc sống đã đi khá xa để lại khá nhiều khoảng trống.

Khoảng trống đầu tiên là nhận thức

Nói gì thì nói mục tiêu sau cùng của công việc quy hoạch một thành phố phải nhắm đến là: chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân đô thị. Mô hình tổ chức xã hội đô thị là đối tượng đầu tiên cần được nghiên cứu. Cũng như thiết kế và xây dựng một ngôi nhà, việc trước hết là khảo sát cách sống của chính những người sẽ cư ngụ trong ngôi nhà đó, thứ đến mới tìm cách thiết kế xây dựng ngôi nhà sao cho phù hợp. Nhưng ở ta, lĩnh vực tối quan trọng này - xã hội học đô thị - một lĩnh vực có giá trị đầu bài cho quy hoạch đô thị hầu như bỏ ngỏ, không ai nghiên cứu, thậm chí chưa có chủ trương.

Đô thị Việt Nam, dân cư phần lớn có nguồn gốc nông thôn, nay “đùng một cái” trở thành cư dân đô thị, thay đổi thói quen không phải là chuyện một sớm một chiều. Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, vứt rác thoải mái, đi họp không đúng giờ, chen lấn chỗ đông người là những thói quen cần được thay đổi, tập dượt, đòi hỏi thời gian. Trong khi các bản vẽ đồ án quy hoạch - nay được thể hiện bằng máy - đẹp không thua gì các thành phố bên Tây, thì ở ngoài đường cuộc sống vẫn trôi theo nhịp điệu của mình. Giữa bản vẽ và cuộc sống của những con người sẽ sống trong những bản vẽ đó, có một khoảng cách khá xa.

TP.HCM chủ trương lấy năm 2008 làm năm xây dựng nếp sống đô thị. Tưởng kết thúc trong năm, nay buộc phải kéo dài, chưa biết đến bao giờ. “Đùng một cái”, cấm xe ba bánh tự chế, cấm hàng rong, nay chuẩn bị quản lý xe ôm cũng là thấy ngứa mà gãi. Gãi xong lại ngứa. Ông cha ta đã bảo: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Đủ diện tích mặt đường cho xe chạy, vỉa hè đủ rộng cho dân đi, thì không ai đi xuống lòng đường làm gì. Mọi thứ đổ cho người dân thiếu ý thức, nghĩ cũng hơi tội nghiệp.

Khi quy hoạch đô thị không còn là bí mật quốc gia, chuyện bàn thảo “chốn cung đình”, việc xây dựng và phát triển thành phố trở nên quan thiết đến đời sống hàng triệu dân cư, đến đời sống của từng người, những nét vẽ trên bản đồ nay phải tính ra đồng tiền bát gạo, tìm kiếm nguồn lực, nếu không muốn trở thành “quy hoạch treo” - một khái niệm, một thuật ngữ sản sinh từ thực tiễn sinh động của nước ta, chưa hề có trong bất cứ từ điển ngôn ngữ nào, một dân tộc nào, quốc gia nào trên thế giới này.

Ông tổng biên tập tạp chí chuyên ngành quy hoạch, đã phải thốt lên: “Chúng tôi thực sự không muốn trao đổi về quy hoạch treo vì không có loại hình quy hoạch này trong thuật ngữ quy hoạch thế giới” (Tạp chí Quy hoạch Xây dựng - số 22 - trang 5). Cơ quan quy hoạch làm theo từ điển, còn “quy hoạch treo” vẫn cứ là một thực tiễn hãi hùng, mang tính đặc thù thuần Việt, có nguyên nhân từ phương pháp quy hoạch ngứa đâu gãi đấy, phục vụ nhất thời hiện nay.

Khoảng trống thứ hai là nhân lực


Quy hoạch đô thị là một khoa học liên ngành. Ngoài lĩnh vực kiến trúc, còn sự phối hợp của nhiều bộ môn khác như kinh tế đô thị, cây xanh và cảnh quan, môi trường, cấp nước và thoát nước, cung cấp điện và thông tin… chưa kể lĩnh vực thiết kế xã hội và một số bộ môn khác. So với nhu cầu phát triển đô thị hiện nay, lực lượng quy hoạch đô thị vừa thiếu, vừa yếu. Ngay ở TP.HCM và thủ đô.

Hà Nội, nơi tập trung đông đảo lực lượng chuyên môn với mật độ cao xem ra cũng không kham nổi khối lượng công việc mà thành phố đòi hỏi. Vì vậy gần đây, việc thuê tư vấn nước ngoài đang là một xu hướng được nhiều địa phương nhăm nhe lựa chọn. Và như vậy gần như ta thuê Tây nấu ăn.

Ba-tê, xúc xích có thể ngon, nhưng đấy là cỗ Tây, mà người Việt lại đang cần những bữa ăn ngon, bổ, rẻ hợp khẩu vị truyền thống và cũng muốn giới thiệu với thế giới là một quốc gia, một dân tộc có bản sắc văn hóa của riêng mình. Chả thế có người nói rằng: “Đi đến cùng dân tộc, sẽ gặp nhân loại”. Nhưng dân tộc trong bản sắc đô thị là gì? Câu hỏi không ai trả lời!

Trong khi đó, một số lớn giáo sư, tiến sĩ thường hay rao giảng các kiến thức đô thị phương Tây mà trong ngành thường gọi tắt là “giáo sĩ”, lại không thấy một công trình nghiên cứu nào về thực tiễn sinh động này. Nên chăng, Nhà nước cần tập hợp một số “giáo sĩ” năng lực, thừa nhiệt huyết một thời gian, tập trung nghiên cứu một “mô hình đô thị Việt Nam” xuất phát từ thực tiễn đất nước, có tham khảo những tương đồng dị biệt của các quốc gia khác đặng mở lối, giúp các nhà thiết kế có hướng tìm tòi cho những đồ án quy hoạch đô thị sắp tới?

Khoảng trống thứ ba là tổ chức

Ai cũng biết quy hoạch đô thị là một khoa học đa ngành, tác nghiệp trong một tương quan sử dụng đồng thời nhiều phạm trù tri thức liên hệ, từ những quy luật vận động kinh tế - xã hội, những tri thức về khoa học lịch sử, địa lý, những quy tắc về dự báo học, tương lai học… đến những ngành nặng tính kỹ thuật cao như giao thông, như kết cấu, như địa chất, khí tượng, thủy văn… cho đến những phạm trù tri thức không thể thiếu như mỹ học, kiến trúc, cảnh quan… để có thể cung cấp cho xã hội một đồ án quy hoạch hy vọng có chất lượng.

Phạm vi tác nghiệp trùm lên toàn lãnh thổ nếu đối tượng nghiên cứu là: “Chiến lược đô thị hóa quốc gia”, là “Quy hoạch vùng lãnh thổ”… đến những lĩnh vực chuyên biệt như: “Quy hoạch khu công nghiệp - dịch vụ”, “Quy hoạch hệ thống công viên, hệ thống tượng đài”… trong một tầm nhìn về tương lai của địa phương, của đất nước phát triển trong vài thập niên. Giao thông tốc độ cao, không gian ngầm là những đề tài phải chuẩn bị trước vài chục năm, nếu không, lúc ngứa mới gãi thì đất đai đã không còn. Mấy bãi đỗ xe ngầm ở khu vực trung tâm TP.HCM không thực hiện được là vì vậy. Gần đây, người ta đã nói đến tầm nhìn 50 năm hoặc lâu hơn.

Trong lý thuyết, cũng như trong thực tế, đô thị là một cơ thể thống nhất, hoàn chỉnh, phát triển có trình tự, lớp lang, ngứa đâu gãi đấy là điều tối kỵ.

Mạng lưới giao thông đô thị vừa là một không gian kỹ thuật, khung sườn của nhiều “hệ thống giao thông hữu tuyến” khác nữa như điện nước, cống rãnh, thông tin, truyền dẫn… còn là không gian giao tiếp, không gian thẩm mỹ, hoàn toàn khác với vận tải quốc lộ, giao thông liên vùng. Việc giao cho Bộ Giao thông - Vận tải đảm đương trách nhiệm xây dựng và quản lý hệ thống giao thông đô thị dường như trái khoáy. Đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh tại TP.HCM là một điển hình.

Khu trung tâm thành phố đang lát vỉa hè. Treo trên lớp vỉa hè đó là một mạng nhện dây điện và cáp điện thoại, truyền hình, viễn thông. EVN và các đơn vị khai thác mớ bòng bong dây cáp đang cò kè về giá thuê cột. Nay mai, thành phố chủ trương ngầm hóa bằng hệ thống tuy-nen, hay hào kỹ thuật, hàng ngàn mét vuông vỉa hè mới lát chắc sẽ được đào lên. Lô cốt của mấy dự án tiêu thoát nước đô thị đang dựng lên những bức trường thành trên mọi ngả đường thành phố, gây ách tắc giao thông, tai nạn chết người và cản trở bà con làm ăn sinh sống! Sao không kết hợp ngay từ khâu quy hoạch để tiết kiệm kinh phí và thời gian, từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nguyên nhân vì chưa ai nghĩ ra một cơ quan phụ trách mảng này!

Quy hoạch đô thị ở nước ta ở cả ba lĩnh vực: nghiên cứu, thiết kế và quản lý đều đang rối. Bệnh ngứa đâu gãi đó mới chỉ là những biểu hiện lâm sàng, không có giải pháp khắc phục khoa học và kịp thời, e rằng sẽ dẫn đến di căn khó chữa. (KTS Nguyễn Trọng Huấn)

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn