Quốc hội thảo luận về “sổ đỏ”

Cập nhật 05/11/2007 09:00

Nội dung được cử tri chờ đợi nhiều nhất ở tuần làm việc thứ ba của Quốc hội sẽ là báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).....

Nội dung được cử tri chờ đợi nhiều nhất ở tuần làm việc thứ ba của Quốc hội sẽ là báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến Quốc hội về giám sát việc thực hiện cấp sổ đỏ và các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận xung quanh việc cấp sổ đỏ trong thời gian qua. Nội dung này sẽ diễn ra trong trọn ngày thứ ba (6-11) và được Đài truyền hình VN tường thuật trực tiếp.

* Từ ngày 7 đến 9 - 11 Quốc hội sẽ nghe tờ trình của Chính phủ và thảo luận ở tổ về các dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật năng lượng nguyên tử; Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật (sửa đổi).

* Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2007, trong chín tháng đầu năm các cơ quan nhà nước đã tiếp trên 240.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận trên 143.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo với hơn 61.000 vụ việc. So với cùng kỳ năm 2006, tổng số người khiếu nại, tố cáo tăng khoảng 56%, số đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng khoảng 44%, số vụ việc tăng 36%.

Nổi lên trong tình hình khiếu nại, tố cáo phát sinh là việc khiếu nại xảy ra ở các địa phương tiến hành thu hồi đất của nhân dân để làm dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hầu như dự án nào cũng đều phát sinh khiếu nại. Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu kiện, có hành vi tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai. Tình hình khiếu nại, tố cáo đông người được đánh giá là phức tạp, gay gắt hơn so với những năm trước.

Báo cáo của Chính phủ cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ra khiếu nại, tố cáo là do cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế; công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trên một số lĩnh vực còn buông lỏng, quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để xảy ra nhiều vi phạm, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên sự bất bình trong dân.

Tính đến nay, trong số hơn 61.000 vụ việc đã có 80% số vụ được giải quyết, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 24,7 tỉ đồng, 256ha đất, trả lại cho tập thể, công dân 15,3 tỉ đồng, 176ha đất, minh oan cho 299 người.

Theo Tuổi Trẻ