Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình với nhiều nội dung đáng chú ý...
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình với nhiều nội dung đáng chú ý.
Phân cấp thẩm quyền
Tại công văn số 64/TTr-BXD ngày 1/7/2008, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên ký, Bộ Xây dựng đã đề xuất thẩm quyền quyết định các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo các cấp độ sau:
- Ngoài những dự án quy định thẩm quyền quyết định theo nghị quyết của Quốc hội thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan cấp bộ quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan cấp bộ được uỷ quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C cho cơ quan cấp dưới trực tiếp.
- Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C trong phạm vi ngân sách của địa phương sau khi thông qua hội đồng nhân dân cùng cấp. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được uỷ quyền hoặc phân cấp quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C cho cơ quan cấp dưới trực tiếp.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.
Đặc biệt, do biến động bất thường của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tỷ giá hối đoái đối với phần vốn có sử dụng ngoại tệ hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới có quy định thì chủ đầu tư được thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình.
Quản lý dự án phải có bằng đại học
Tờ trình cũng nêu rõ điều kiện năng lực của chủ nhiệm lập dự án. Cụ thể, trường hợp chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án thì giám đốc quản lý dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp và có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm.
Riêng đối với các dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa thì giám đốc quản lý dự án có thể là người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thuộc chuyên ngành phù hợp và có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm. Chủ đầu tư có thể cử người thuộc bộ máy của mình hoặc thuê người đáp ứng các điều kiện nêu trên làm giám đốc quản lý dự án.
Về việc kinh doanh các dịch vụ trong hoạt động xây dựng, những hoạt động sau đây là kinh doanh có điều kiện: lập dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế xây dựng công trình; khảo sát xây dựng công trình; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng công trình; kiểm định chất lượng xây dựng công trình; chứng nhận an toàn chịu lực công trình xây dựng; quản lý dự án.
Điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật hoặc các điều kiện về năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của Bộ Xây dựng.
Thẩm định dự án tối đa 90 ngày
Về thời gian thẩm định dự án, bao gồm cả thời gian thẩm định thiết kế cơ sở được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể:
- Đối với dự án quan trọng quốc gia: thời gian thẩm định dự án không quá 90 ngày làm việc, tuỳ theo quy mô, tính chất của dự án, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 30 ngày làm việc.
- Đối với dự án nhóm A: thời gian thẩm định dự án không quá 40 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 20 ngày làm việc.
- Đối với dự án nhóm B: thời gian thẩm định dự án không quá 30 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 15 ngày làm việc.
- Đối với dự án nhóm C: thời gian thẩm định dự án không quá 20 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 10 ngày làm việc.
Theo VnEconomy