Phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến 2030

Cập nhật 26/08/2010 09:10

Quy hoạch được lập trong phạm vi hành chính thủ đô Hà Nội với tổng diện tích hơn 3.344km2 và dân số khoảng 6,23 triệu người (2008) và vùng phụ cận của Hà Nội.


Nút giao thông lập thể nam cầu Chương Dương. Ảnh: Minh Đông
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch được lập trong phạm vi hành chính thủ đô Hà Nội với tổng diện tích hơn 3.344km2 và dân số khoảng 6,23 triệu người (2008) và vùng phụ cận của Hà Nội.

Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được phát triển đồng bộ, bền vững, hiện đại và dịch vụ vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và sử dụng thuận tiện; đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Ngoài ra, việc phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình cần được ưu tiên, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch này sẽ làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Trên cơ sở định hướng khung về giao thông vận tải trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lập quy hoạch theo 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông gồm giao thông đối ngoại (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không); giao thông đô thị (đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh) và giao thông nông thôn.

Nhóm thứ hai lập quy hoạch giao thông vận tải hành khách công cộng (bao gồm đô thị trung tâm và liên kết đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các khu vực dân cư tập trung trên địa bàn thủ đô Hà Nội).

Nhóm thứ ba lập quy hoạch hệ thống bến, bãi đỗ xe (trên mặt đất, trên cao, dưới ngầm).

Bên cạnh đó, cần xác định quỹ đất cho phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội và đề xuất các giải pháp tổ chức quản lý giao thông và các cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng.

Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ đầu tư lập quy hoạch, Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định và trình duyệt quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+