Phải tìm ra động lực phát triển cho các đô thị vệ tinh

Cập nhật 19/06/2010 14:45

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ băn khoăn về nhiều nội dung trong bản đồ án quy hoạch đồ sộ cho Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM. Ảnh: Internet
Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ băn khoăn về nhiều nội dung trong bản đồ án quy hoạch đồ sộ cho Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cũng như hầu hết đại biểu Quốc hội khác, tuy ủng hộ việc quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhưng ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM không khỏi băn khoăn về nhiều nội dung trong một bản đồ án quy hoạch quá đồ sộ như vậy.

*Là một chuyên gia kinh tế, ông có ý kiến gì về số tiền đầu tư theo dự kiến ban đầu lên đến 90 tỷ USD để quy hoạch Hà Nội?

Tôi không băn khoăn về số tiền đầu tư rất lớn trong khi chúng ta phải thực hiện đầu tư nhiều công trình khác như Nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận, Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM… bởi quá trình đầu tư kéo dài 30-40 năm, trong khi quy mô kinh tế của chúng ta hiện vào khoảng 100 tỷ USD (năm 2010 dự kiến GDP đạt 106 tỷ USD). Vài ba chục năm nữa, quy mô kinh tế sẽ cao hơn nhiều lần hiện nay thì khi đó, tiền đầu tư không phải là vấn đề lớn nếu có phương án huy động tốt, phương án trả nợ vốn và lãi khả thi, đặc biệt là phương án sử dụng vốn hiệu quả. Cái tôi lo là chất lượng quy hoạch và thực thi quy hoạch.

*Ông lo nhất ở điểm nào?

Trước hết phải khẳng định rằng, không một đô thị nào muốn phát triển mà lại thiếu quy hoạch. Quy hoạch mới định hướng được sự phát triển của tương lai. Quy hoạch giúp những người đang sử dụng đất biết rằng, khi nào mảnh đất của mình đang quản lý, sử dụng sẽ chuyển mục đích sử dụng. Quy hoạch mới giúp cho nhà đầu tư biết là sẽ đầu tư vào đâu để không bị di dời vì vi phạm quy hoạch.

Việc Hà Nội thực hiện quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của một đô thị lớn và phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, để bảo đảm quy hoạch mang tính khả thi cao thì phải xem lại chất lượng quy hoạch, bởi nếu quy hoạch xong mà không thực hiện được thì sẽ gây bức xúc trong xã hội vì đó sẽ là quy hoạch treo. Vì vậy, theo tôi, một mặt phải tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch chi tiết sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua quy hoạch chung; tất cả tổ chức, cá nhân cũng không được vi phạm quy hoạch khi đầu tư, xây dựng bất cứ công trình kiến trúc nào.

*Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, mà còn khiến cuộc sống người dân vùng quy hoạch trở nên bất ổn. Theo ông, với Hà Nội cần phải làm gì để tránh tình trạng quy hoạch treo?

Hà Nội dự kiến xây dựng 5 đô thị vệ tinh xung quanh đô thị trung tâm. Với mỗi đô thị vệ tinh, khi quy hoạch chi tiết, trước hết phải trả lời động lực phát triển của nó là gì. Hiện chúng ta có nhiều khu đất quy hoạch treo, hàng ngàn biệt thự, khu đô thị mới xây dựng xong lại bỏ hoang vì nhà đầu tư không nhìn thấy động lực để phát triển. Việc quy hoạch đô thị không thể chủ quan, duy ý chí. Nếu vẫn chủ quan, duy ý chí thì không thể tránh khỏi tình trạng nhiều khu đô thị mới, sau nhiều năm đầu tư xây dựng hạ tầng vẫn là khu đất hoang vì không có động lực phát triển nên không có nhà đầu tư nào dám bỏ vốn vào để kinh doanh.

*Quan điểm của ông về Đồ án quy hoạch Hà Nội vừa được đưa ra Quốc hội thảo luận?

Tôi ủng hộ việc phải quy hoạch lại Hà Nội vì như tôi đã nói, không có bất cứ đô thị nào muốn phát triển mà lại thiếu quy hoạch. Theo quy hoạch, trong tương lai, Hà Nội sẽ là nơi sinh sống, làm việc của khoảng 10 triệu dân, tức sẽ mang tầm một siêu đô thị với 5 đô thị vệ tinh. Vì vậy, tôi vẫn muốn các nhà làm quy hoạch trả lời 2 câu hỏi. Thứ nhất là động lực kinh tế nào để hình thành nên những đô thị vệ tinh này? Thứ 2 là có nên tập trung mọi nỗ lực để xây dựng cùng lúc 5 đô thị hay xây dựng từng đô thị một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để xây dựng tiếp?

*Hà Nội muốn trở thành một đô thị văn minh nhưng đang gặp phải khó khăn rất lớn: đó là tỷ lệ đô thị hoá còn quá thấp. Điều này đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn?

Nói thật tôi cũng rất băn khoăn về điều này. Hà Nội hiện có 6,4 triệu dân, trong đó có tới 60% làm nông nghiệp. Trong khi đó, theo quy hoạch thì vào năm 2020, dân số của Hà Nội ước khoảng 7,1 - 7,4 triệu người với tỷ lệ đô thị hoá đạt 64%. Vào năm 2030, dân số Thủ đô dự kiến sẽ tăng lên 9-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70% và đến năm 2050 dân số Thủ đô sẽ lên đến 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 80%.

Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để biến gần 4 triệu người dân nông thôn hiện nay với thói quen, nếp sống, sinh hoạt, tư duy của người nông dân thuần tuý thành thị dân. Cái khó nhất của đô thị hóa là chuyển nông dân thành thị dân với tư duy, cách suy nghĩ, sinh hoạt, lối sống… của thị dân, chứ không phải là xây dựng nên những khu đô thị to đẹp về hình thức, nhưng tư duy của những người quản lý nó, sống trong nó lại không hề thay đổi.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư