Phải phù hợp với hiện tại và tương lai

Cập nhật 25/04/2009 10:40

Chiều ngày 24-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thường trực Chính phủ đã nghe Liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030...

Chiều ngày 24-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thường trực Chính phủ đã nghe Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (PERKINS EASTMAN-POSCO E&C-JINA) báo cáo về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Tham dự về phía thành phố Hà Nội có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo một số bộ, ngành của Trung ương.

Một quy hoạch có quy mô và tầm cỡ

Có thể khẳng định đây là một đồ án quy hoạch quy mô và tầm cỡ khi PPJ trình bày các nội dung đã thực hiện gồm: khung làm việc (tiến trình thực hiện, phương pháp luận, lịch thực hiện và mục tiêu), hiện trạng Thủ đô Hà Nội, kinh nghiệm quốc tế (vai trò của quy hoạch chung, mục đích và mục tiêu, chiến lược phát triển ý tưởng, hành lang xanh, phát triển đô thị, các kịch bản thử nghiệm đầu tiên) và các bước tiếp theo. Để có được quy hoạch báo cáo lần 1, PPJ đã tổ chức 12 đợt khảo sát; 6 hội thảo về các vấn đề mấu chốt của công tác quy hoạch; lập bản đồ và điều tra hiện trạng; tổ chức hội nghị quốc tế với 12 tham luận của các chuyên gia quốc tế. Bên cạnh đó PPJ cũng đã tham khảo, phân tích các bài học kinh nghiệm về quy hoạch của 15 thành phố lớn trên thế giới.

Theo các chuyên gia PPJ, công tác quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có các vấn đề liên quan đến 744 dự án chiếm hơn 61 nghìn héc-ta đất, vấn đề giao thông nội thị, ngoại thị, đường vành đai và liên tỉnh, sắp xếp lại không gian chức năng công cộng, đô thị hành chính, vấn đề quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng cũng như năng lực quản lý đô thị hiện nay của Hà Nội.

Với những cơ sở trên, các chuyên gia Hoa Kỳ và Hàn Quốc của liên danh tư vấn đã đưa ra 2 ý tưởng A và B, trong đó nêu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi ý tưởng.

Với ý tưởng A, điểm mạnh là hành lang xanh rộng 10-12km, khu vực hai thành phố vệ tinh lớn tận dụng tối đa đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông, vùng không gian mở rộng duy trì các cảnh quan quan trọng và vùng nông nghiệp, vị trí Trung tâm hành chính quốc gia là xúc tác đem lại sức sống mới cho sông Hồng. Tuy nhiên, điểm yếu của ý tưởng này là Trung tâm hành chính quốc gia đặt tại khu đất hạn chế sẵn có và tác động đến các dự án đã trình.

Trong khi đó, điểm mạnh của ý tưởng B là có thể giữ đa số các dự án đã trình, Trung tâm hành chính quốc gia là xúc tác cho thành phố mới, các thành phố vệ tinh quy mô nhỏ hơn tạo thuận lợi cho các vùng chức năng chuyên biệt, vị trí trung tâm y tế và đại học thiết lập các chức năng chính cho các vùng đô thị mới. Tuy nhiên, điểm yếu của ý tưởng này là sự phát triển có tác động đến các làng nghề và các khu vực sản xuất nông nghiệp, sân bay thứ hai, hạn chế sự phát triển hỗn hợp về phía Nam, đầu tư lớn cho giao thông để kết nối với Trung tâm hành chính quốc gia.

Tuy nhiên, cả hai ý tưởng nêu trên đều có một yếu tố chiến lược chung là dành 60% diện tích cho phát triển hành lang xanh và 40% phát triển đô thị. Trong diện tích của hành lang xanh thì 40% là các vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn, 40% phát triển đô thị sẽ có 20% các vùng phát triển mới và 20% các vùng đã đô thị hóa.

Hà Nội phải là Thủ đô của một đất nước công nghiệp phát triển



Quy hoạch Hà Nội phải thể hiện sự ưu
việt về mọi mặt. Ảnh: Viết Thành.

Cả 2 ý tưởng do PPJ đề xuất đều nhằm mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội phải trở thành thành phố phát triển bền vững, trong đó có nhiều ý tưởng mới về phát triển một vành đai xanh quy mô khá lớn của Thủ đô, các tính toán mới về diện tích dành cho giao thông, nhà ở... Mặt khác, quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng phải bảo đảm kết nối và phát huy chức năng vùng Thủ đô trong phát triển công nghiệp, du lịch, giao thông, hệ thống thoát nước, cấp điện, môi trường, dân cư và nguồn nhân lực. Cấu trúc không gian được xây dựng bao gồm: hành lang xanh, vùng công nghiệp, vùng nhà ở, các cụm khu vực, các cụm làng nghề… với mục tiêu phát triển bền vững của thành phố 10 triệu dân vào năm 2030.

Góp ý vào báo cáo lần 1 về Đồ án Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, đây mới là ý tưởng nhưng Đồ án Quy hoạch đã cơ bản bám sát định hướng quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đưa ra được các chỉ tiêu cụ thể về đất đai, di sản, con người với mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, văn hóa - kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Thường trực Chính phủ cũng nhận định, Đồ án cần phải điều tra, khảo sát thật kỹ thực tế để có những đề xuất chắc chắn, bám sát những ý tưởng chủ đạo. Như vậy mới có thể xây dựng được các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp và sát thực cùng các chính sách cần thiết và đồng bộ nhằm quản lý và thực hiện quy hoạch.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong Liên danh tư vấn xây dựng đồ án. Thủ tướng nhấn mạnh, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội phải bám sát quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tiêu chí xây dựng Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của một đất nước công nghiệp phát triển với dân số 130 triệu dân để đưa ra mục tiêu, mục đích phát triển bền vững từ môi trường đến văn hóa, công nghiệp, dịch vụ…

Thủ tướng gợi ý, từ 2 ý tưởng trên, tư vấn PPJ cần xây dựng một số phương án cụ thể về bố trí không gian, từ đó định hướng phát triển cơ sở hạ tầng: đường bộ, đường sắt, đường ngầm và sân bay gắn kết vùng, đồng thời xem xét kỹ 744 dự án đã trình để xây dựng phương án khả thi nhất. Trên tinh thần này, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng và TP Hà Nội đưa ra những định hướng để các chuyên gia tư vấn triển khai phù hợp với yêu cầu và tiến độ đã đề ra. Đặc biệt là tiếp tục rà soát từng dự án để phù hợp với quy hoạch chung song không làm ảnh hưởng tới các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trong nước trên các lĩnh vực, cũng như mời thêm tư vấn hàng đầu thế giới giúp việc thẩm định Đồ án Quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tựu trung, phải bảo đảm có một Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội phát triển bền vững phù hợp với cả hiện tại và tương lai.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới