Nếu không hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân là rất mong manh.
Nếu không hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân là rất mong manh.
Các đại biểu đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Nội dung về kinh tế, chính quyền địa phương và thiết chế độc lập trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992”, do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), tổ chức tại TP.HCM ngày 8-10.
Hiến định để tránh nguy cơ lạm quyền
GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng: Trên thực tế, ta đã thừa nhận một cách rất rõ ràng việc người dân bỏ tiền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). “Đã thừa nhận việc chuyển nhượng bằng tiền thì không có cách nào khác để phủ nhận nó là quyền tài sản của người sử dụng đất” - ông Võ nhấn mạnh.
Theo ông Võ, nếu không thừa nhận QSDĐ là quyền tài sản là không đúng với cơ chế thị trường hiện nay. Và để bảo vệ quyền ấy của người dân thì cần phải ghi rõ vào HP. “Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng QSDĐ là tài sản hoặc quyền tài sản của người sử dụng và Nhà nước bảo đảm quyền ấy trong HP, để tránh những nguy cơ người sử dụng đất phải đối mặt khi bỏ một khối tài sản ra cho việc này” - GS Võ nói.
GS-TS Đặng Hùng Võ: “Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng QSDĐ là tài sản hoặc quyền tài sản của người sử dụng và Nhà nước bảo đảm quyền ấy trong Hiến pháp”. Ảnh: MC
|
Quyền hiển nhiên của người sử dụng đất
Nên xem QSDĐ là quyền tài sản của người sử dụng. Đó là quyền hiển nhiên, không phải là quyền mà Nhà nước muốn cho dân thì cho. QSDĐ thường chấm dứt trong ba trường hợp: Thứ nhất là do lỗi người sử dụng đất gây ra, tức là vi phạm pháp luật và Nhà nước áp dụng biện pháp chế tài thu hồi. Thứ hai là vì mục đích công, pháp luật cho phép Nhà nước dùng quyền để chấm dứt. Thứ ba là do ý chí của người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng.
Như vậy, nếu người dân đang sử dụng bình thường mà Nhà nước muốn chấm dứt quyền đó thì phải vì mục đích công. Và HP phải nói rõ mục đích công là gì chứ nói “phát triển kinh tế-xã hội” là quá rộng. Điều này dẫn đến việc khó tránh khỏi tình trạng quan chức địa phương lợi dụng để thu hồi đất hàng loạt.
Ta không thể để người dân bị đẩy vào thế rủi ro cho quá trình phát triển; và xảy ra tình trạng làm thiệt hại lợi ích của một nhóm người này để cho người khác có lợi hơn, bởi Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì vậy HP sửa đổi phải khẳng định QSDĐ là quyền tài sản hoặc là tài sản. Nhà nước chỉ áp dụng biện pháp hành chính chấm dứt QSDĐ của người dân vì mục đích công, còn mục đích tư là do quy luật thị trường điều chỉnh.
PGS-TS NGUYỄN QUANG TUYẾN (ĐH Luật Hà Nội)