Ôm đồm như... Dự thảo Luật Xây dựng!

Cập nhật 18/07/2013 08:44

Quá ôm đồm là ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ Xây dựng phối hợp với VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 16/7.

Quá ôm đồm là ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ Xây dựng phối hợp với VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 16/7.

Ông Liêm kiến nghị cần xây dựng một luật mới thay vì chỉ sửa đổi như dự kiến.

Chồng chéo với nhiều luật khác

Theo trình bày của đại diện Ban soạn thảo là ông Hoàng Thọ Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), Luật Xây dựng sửa đổi sẽ bao gồm 10 chương, 132 điều, tăng 1 chương và 9 điều so với luật hiện hành, trong đó có các nội dung như quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện…

Tuy nhiên, theo bà Đặng Hoàng Mai, giảng viên Bộ môn Quản lý dự án và pháp luật, Đại học Xây dựng Hà Nội, Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về việc đưa phần quy định về quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng (sửa đổi). Lý do cơ bản mà bà Mai đưa ra là, khi Luật Quy hoạch xây dựng được ban hành thì phần nội dung này trong Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ gây nên sự chồng chéo. Do đó, tạm thời có thể dùng nghị định để điều chỉnh hoạt động này thì phù hợp hơn.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần xây dựng một luật mới thay vì chỉ sửa đổi như dự kiến - Ảnh: VCCI

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện cả nước có gần 2.600 dự án bất động sản nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay các dự án khi triển khai đã tuân thủ quy hoạch ban đầu được phê duyệt, như The Manor, Ciputra tại Hà Nội hay Phú Mỹ Hưng tại TP. HCM. Còn lại đều có thay đổi, điều chỉnh so với quy hoạch ban đầu nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoặc xử lý.

“Nằm ở luật nào không quan trọng, nhưng Bộ Xây dựng cần có quy định cụ thể về điều khoản ‘hậu quy hoạch’ cho một cơ quan chức năng cụ thể thì mới đảm bảo quy hoạch được tuân thủ”, ông Minh kiến nghị.

Ngược lại, ông Phan Vũ Anh, luật sư Công ty Luật TNHH Phan Anh lại cho rằng, Luật Xây dựng vẫn cần có một chương về quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, nội dung đưa ra cần được viết ngắn gọn và bao hàm những quy định chung nhất về quy hoạch xây dựng, còn những nội dung chuyên ngành nên đưa vào Luật Quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo về quản lý và thống nhất quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

Về quy định lựa chọn nhà thầu của dự thảo Luật, theo bà Mai, Luật Đấu thầu hiện cũng đang được sửa đổi, nên đưa ra những quy định chung đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu, còn Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ quy định trực tiếp về việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

Can thiệp quá sâu

Cũng liên quan đến nhà thầu, nhưng trong mục giấy phép xây dựng, ông Minh cho rằng, “doanh nghiệp sẽ chết chắc” với quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng là phải “có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định”. Ông Minh lý giải, hiện dự án sau khi có đầy đủ thủ tục mới tiến hành đấu thầu thi công, nay lại quy định đấu thầu trước khi có giấy phép xây dựng thì khác nào câu chuyện “con gà quả trứng”.

Ông Minh còn phản ánh một bất cập trong thực tế nữa là, nhiều dự án xây dựng, nhiều khu đô thị đã được xây dựng xong và bàn giao cho người mua sử dụng, nhưng chủ đầu tư không bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý. Việc này đã dẫn đến sự mất ổn định an ninh, trật tự và khó khăn cho người dân mới đến cư trú.

“Ví dụ, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính sau 17 năm xây dựng vẫn chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, như con em học tại trường ngay cạnh nhà mà vẫn bị coi là trái tuyến, người nghỉ hưu không được tham gia sinh hoạt hưu trí cùng tổ hưu…”, ông Minh nói và cho rằng, để chấm dứt tình trạng này, cần có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật cho chính quyền địa phương quản lý.

Một vấn đề nữa là trong những năm qua, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước giảm, dẫn đến các thành phần kinh tế khác chiếm trên 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Vì thế, theo ông Lê Anh Ba đến từ Tổng hội Xây dựng Việt Nam, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) không nên can thiệp sâu vào quyền sử dụng sản phẩm xây dựng của chủ đầu tư mà cần điều chỉnh luật pháp theo hợp đồng vay và cho vay nếu chủ đầu tư có vay vốn của nhà nước để đầu tư vào sản phẩm đó. Phải làm rõ đối tượng đầu tư nào được vay, được cấp vốn ưu đãi để khuyến khích phát triển sản xuất.

Theo ông Ba, cần phải xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động xây dựng, thống nhất cách quản lý từ trung ương đến địa phương. Không nên quản lý theo kiểu dàn trải gây ra lãng phí, thất thoát và thậm chí sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng hơn.

“Những vấn đề liên quan mang tính tác nghiệp như đấu thầu, quản lý dự án, giám sát thi công…, Nhà nước không nên can thiệp mà để cho các thành phần tham gia đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm trong quan hệ hợp đồng kinh tế hoặc theo quan hệ hoạt động dịch vụ với các tổ chức tư vấn”, ông Ba nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán