Đó là quy định tại nghị định 121 mà Chính phủ vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 30-11-2013) để thay thế nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý phát triển nhà và công sở...
Trước đây, chung cư trên đảo Kim Cương, Q.2 (TP.HCM) được cho tồn tại phần xây sai phép nhưng chủ đầu tư không tốn đồng nào. Theo quy định mới, chủ đầu tư phải nộp tiền mới được giữ lại phần xây sai phép - Ảnh: Ngọc Hà |
Điểm mới đáng chú ý được quy định tại nghị định 121 là công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng bảo đảm một số điều kiện thì được nộp tiền từ 40-50% giá trị phần vi phạm để được tồn tại và điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Cụ thể, khoản 9 điều 13 nghị định 121 nêu rõ: hành vi sửa chữa, cải tạo, xây dựng sai phép, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai thiết kế đã được duyệt thì chủ đầu tư công trình trên bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp. Số lợi bất hợp pháp này được quy định bằng 40% giá trị phần xây dựng trái phép đối với nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần công trình trái phép đối với các dự án đầu tư xây dựng. Sau khi chủ đầu tư nộp tiền xong, cơ quan chức năng sẽ cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Những công trình trái phép được nộp tiền để tồn tại phải đáp ứng các điều kiện như: không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp.
Một lãnh đạo thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để được nộp tiền cho công trình xây dựng trái phép tồn tại là công trình phải phù hợp quy hoạch. Theo vị này, trong thực tế có rất nhiều trường hợp cơ quan chức năng không thể tháo dỡ phần diện tích vi phạm xây dựng vì nhiều lý do. Như vậy, phần vi phạm xây dựng được tồn tại một cách đương nhiên mà chủ đầu tư không tốn một đồng nào là vô lý. Việc đưa ra quy định mới này nhằm hạn chế tối đa người vi phạm xây dựng. Mặt khác, không gian cũng là một thứ tài sản thuộc sở hữu nhà nước, ai sử dụng không gian này phải nộp tiền là công bằng.
Bộ Xây dựng sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể việc tính toán tỉ lệ 40% hoặc 50% giá trị công trình vi phạm trước khi nghị định có hiệu lực (ngày 30-11). Nghị định này không áp dụng cho những trường hợp vi phạm trước ngày 30-11.
Theo bà Hồ Thị Kim Loan - nguyên chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, quy định trên hợp lý trong điều kiện tại TP.HCM. Những năm trước, có khoảng 50% công trình xây dựng sai phép không tháo dỡ được. Quy định này sẽ “gỡ” được thực tế trên. Ngoài ra theo quy định hiện hành, chủ đầu tư xây vượt tầng, lớn hơn giấy phép hoặc xây không phép mà đáp ứng đủ các điều kiện trên thì phải tháo dỡ phần vi phạm trước khi xin điều chỉnh hoặc xin cấp mới giấy phép xây dựng. Quy định mới tại nghị định 121 khắc phục được điểm yếu này, tránh gây lãng phí cho xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn sẽ có một bộ phận chủ đầu tư “lắm tiền nhiều của” ỷ lại quy định nộp tiền để tồn tại trên mà vi phạm? Bà Loan góp ý: Nhà nước nên cải cách thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng với thời gian nhanh, thủ tục gọn để giảm thiệt hại của chủ đầu tư do phải ngừng thi công công trình khi xin điều chỉnh giấy phép. Nếu thiệt hại do điều chỉnh giấy phép xây dựng nhỏ hơn số tiền phải nộp do vi phạm thì chủ đầu tư sẽ chọn con đường lợi hơn, vi phạm xây dựng sẽ giảm.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ