Việc Bộ Xây dựng đưa cách tính diện tích chung cư thông thủy vào Dự thảo Luật Nhà ở khiến người dân hồ hởi, mong đợi, khi những mâu thuẫn bùng nổ thời gian qua do cách tính diện tích tréo ngoe.
Theo Dự thảo lần thứ 11 Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được Bộ Xây dựng hoàn thành và trình Thủ tướng, diện tích sử dụng của căn hộ hoặc của phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và được tính theo kích thước thông thủy bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công (nếu có), không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Đây là điểm sửa đổi mới khiến những người dân cảm thấy hồ hởi và nếu được thông qua thì chắc chắn sẽ đảm bảo quyền lợi hơn cho những người đi mua nhà sau này.
Trao đổi với PV Infonet, một số người dân đã mua chung cư tại những dự án có tranh chấp đình đám về cách tính diện tích chung cư thời gian qua đều rất mong đợi điều này sẽ sớm được thông qua. Nhiều người dân có nhu cầu mua chung cư cũng có chung nỗi niềm.
Chị Hoa, một người dân mua chung cư tại dự án chung cư cao cấp Keangnam nằm trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), nơi mà có những người dân đang có đơn thư khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án để đòi lại phần diện tích thiếu hụt cảm thấy rất mừng khi dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã nêu rõ, cụ thể cách tính diện tích căn hộ chung cư.
“Không chỉ nói rõ cách tính theo thông thủy mà còn nêu rõ diện tích chung, diện tích riêng điều này sẽ đảm bảo được quyền sở hữu cũng như công bằng cho người mua chung cư khi phải trả mức phí quản lý hàng tháng, thuế nhà đất theo đúng diện tích được sử dụng thực tế”, chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, trước đây Luật Nhà ở tuy không đưa ra cụ thể về cách tính diện tích nhưng đã quy định rõ phần diện tích chung và diện tích riêng, kết hợp với Bộ Luật dân sự thì đã quy định phần sở hữu chung trong nhà chung cư là không được phân chia.
Diện tích căn hộ chung cư sẽ được tính theo kích thước thông thủy nếu dự thảo Luật Nhà ở sớm được thông qua.
|
“Vừa qua, các chủ đầu tư tính diện tích theo tim tường là do họ áp dụng Thông tư 16 của Bộ Xây dựng, đó là quy định hướng dẫn sai, mâu thuẫn Luật Nhà ở… cách tính đó đã vi phạm đến quyền lợi người mua nhà. Cụ thể, tại hợp đồng mua bán nhà của chung cư Keangnam nói rõ cách tính diện tích là từ tim tường đến tim tường, nhưng không nói rõ phần diện tích chung và diện tích riêng là bao nhiêu, khiến người mua nhà phải trả cả tiền cho những phần sở hữu chung mà không biết”, chị Hoa chia sẻ.
Liên quan đến cách tính diện tích gây tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư trong thời gian qua, chị Hoa cho rằng: Sau khi Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, xử lý nội dung “cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư” ở Thông tư 16 vì không phù hợp với Luật Nhà ở thì Bộ Xây dựng nên công khai việc tự đình chỉ điều khoản quy định cách tính diện tích căn hộ từ tim tường đến tim tường.
Nếu Bộ Xây dựng không tự làm thì Bộ Tư pháp cần ra quyết định đình chỉ và kiến nghị Thủ tướng hủy bỏ.
Cũng rất vui mừng và mong dự thảo Luật Nhà ở sớm được thông qua, chị Phương, một cư dân mua nhà tại dự án khu đô thị Dương Nội – cũng là dự án đã nổ ra tranh chấp căng thẳng do cách tính diện tích của chủ đầu tư thời gian qua cho rằng: Điều khoản quy định tính diện tích chung cư theo thông thủy sẽ là cơ sở rõ ràng, minh bạch hơn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà tại các dự án chung cư.
“Nhiều cuộc tranh chấp diện tích đã xảy ra là do Thông tư 16 của Bộ Xây dựng không thống nhất với Luật Nhà ở và Nghị định 71. Việc sửa đổi, đưa ra quy định cụ thể cách tính diện tích căn hộ chung cư theo kích thước thông thủy tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này có thể là do Bộ Xây dựng đã nhận thấy sự bất hợp lý, nhưng đây là cách sửa sai cho tương lai.
Nếu dự thảo Luật Nhà ở được thông qua, tôi cho rằng cần nói rõ phạm vi áp dụng. Ngoài ra, đối với những tranh chấp còn tồn đọng về cách tính diện tích này cần có phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân”, chị Phương đề xuất.
Bên cạnh đó, chị Phương cũng kỳ vọng: Sau khi dự thảo Luật Nhà ở được thông qua thì các nghị định và thông tư hướng dẫn đi kèm cũng cần chuẩn theo đúng quy định của Luật Nhà ở mới, kỳ vọng là sẽ không thiếu tính thống nhất với quy định của Luật Nhà ở như Thông tư 16/2010/TT-BXD.
Trao đổi với PV Infonet, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Hà Nội khẳng định: Việc dự thảo Luật Nhà ở quy định cách tính diện tích căn hộ chung cư theo kích thước thông thủy sẽ góp phần giảm số lượng các vụ tranh chấp chung cư như đã diễn ra.
Theo ông Nghiêm, sau khi Luật Nhà ở được thông qua sẽ phải có văn bản hướng dẫn áp dụng, cụ thể những trường hợp hợp đồng đã ký từ thời gian trước không theo kích thước thông thủy thì có áp dụng hồi tố không hay sẽ xử lý, tính toán theo phương án nào hay điều chỉnh lại giá sao cho hợp lý?
“Nếu theo đúng lộ trình, dự thảo Luật Nhà ở sớm được thông qua thì sẽ có thể áp dụng vào cuối năm nay. Dưới Luật có các nghị định và thông tư hướng dẫn đi kèm, nên nếu Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua thì sẽ có nghị định và thông tư mới thay thế nghị định và thông tư cũ để hướng dẫn Luật mới. Do đó, việc Bộ Xây dựng không sửa Thông tư 16 mà sửa thẳng vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cho thấy Bộ Xây dựng đã nhận thấy vấn đề chưa hợp lý”, ông Nghiêm nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet