Lương thấp, vật giá leo thang, nhà ở giá cao,… những nguyên nhân này khiến giấc mơ nhà ở của công nhân, người lao động tại TPHCM ngày càng xa vời hơn.
Nhà ở xã hội tại TPHCM chậm vì nhiều rào cản
Cần có chính sách hỗ trợ công nhân mua nhà
Đó là mong muốn của hầu hết công nhân, viên chức, người lao động tại hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động với chủ đề: “Chính sách an sinh xã hội – nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động”, do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức ngày 24/4.
Hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đang hoạt động với hơn 4,7 triệu lao động.
Bà Hà Thị Trang – công nhân Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin chia sẻ: “2 năm qua dịch bệnh hoành hành, đơn hàng không nhiều, lương không tăng mà vật giá liên tục tăng. Với thu nhập ít ỏi, công nhân khó khăn trong việc trang trải cuộc sống, càng khó khi tính chuyện mua nhà ở”. Bà Trang mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ công nhân mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng nhà cho thuê giá rẻ để giảm bớt gánh nặng về nhà ở hiện nay cho người lao động.
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Tuyết Nhung - đại diện Hội Phụ nữ, Công an TPHCM cho biết: “Thành phố mới giải quyết nhà ở cho khoảng 15% công nhân, viên chức, người lao động, còn lại hơn 80% công nhân đến từ các tỉnh đang phải ở phòng trọ, nhà trọ. Trong số trên 80% này có rất nhiều người muốn được hỗ trợ mua nhà ở. Tuy nhiên, giá nhà đất tại TPHCM đang quá cao. Thu nhập của công nhân sẽ không thể mua được nhà”.
Bà Nhung băn khoăn về việc kiểm soát giá nhà ở hiện nay như thế nào để đưa giá nhà về đúng giá trị thật, do thời gian qua giá nhà liên tục tăng cao. Ngoài ra, thành phố cần có kế hoạch rà soát tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội giúp người lao động tiếp cận được nhà ở.
Giá nhà ở tăng cao
Trả lời những băn khoăn về nhà ở dành cho công nhân, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM khẳng định: “Giá nhà ở tại thành phố đã tăng rất cao, công nhân rất khó mua được nhà”. Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố dẫn chứng cụ thể, hiện nay giá căn hộ đang ở mức từ 20 – 25 triệu đồng/m2, trong khi đó trước năm 2019 giá căn hộ không quá 16 triệu đồng/m2. Với giá căn hộ như trên thì trung bình mỗi căn dao động từ 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng.
“Giá căn hộ từ 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng nhưng người dân chỉ được vay tối đa 900 triệu và không quá 70% giá trị căn hộ. Nếu công nhân dành 20 – 25% thu nhập hàng tháng (tương đương 1,5 triệu đồng) để mua nhà thì quy định trả góp tối đa trong 15 năm cũng quá khó”, ông Khiết phân tích thêm yếu tố gây khó khăn trong việc tiếp cận nhà của công nhân.
Về vấn đề giá nhà ở quá cao so với thu nhập của công nhân, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho hay, Ban Đô thị HĐND TPHCM tiến hành khảo sát về mức thu nhập và khả năng mua nhà của công nhân nữ. Theo đó, đa số công nhân nữ muốn vay tiền mua nhà trị giá dưới 1,5 tỷ đồng và chỉ có khả năng trả trước dưới 500 triệu đồng. Cụ thể, mức thu nhập phổ biến nhất của công nhân nữ từ 5 – 10 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 40%. Về khả năng trả nợ thì có đến 76% công nhân được khảo sát cho biết có thể trả nợ trước với mức dưới 500 triệu đồng nếu thực hiện vay tiền mua nhà; 53% lựa chọn thời hạn vay từ 10 – 15 năm. Về giá trị nhà, 36% lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng; 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ - 1,5 tỷ đồng.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn 2016 – 2020, có 19 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với 15.000 căn hộ. Trong đó có 2 dự án vốn ngân sách, các dự án còn lại là vốn của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố sẽ phát triển 47 dự án nhà ở xã hội, tương đương 35.000 căn hộ. Các dự án này tập trung tại quận Bình Tân, quận 7, thành phố Thủ Đức.
Gỡ khó thủ tục
Nhìn từ thực tế phát triển nhà ở xã hội, bà Đoàn Thị Minh Diệp – Giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM nhận định, thành phố có 2 nguồn để phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất, do chủ đầu tư thực hiện nhưng bị khống chế lợi nhuận nên số lượng căn hộ không nhiều. Thứ hai, nhà ở xã hội từ 20% diện tích đất từ dự án nhà ở thương mại song con số này rất ít. Do đó, nên xây nhà cho thuê với giá hợp lý.
Theo bà Diệp, số lượng công nhân, người lao động tại TPHCM khá nhiều, vì vậy thành phố không thể lo nổi. Việc phát triển nhà ở xã hội cần phối hợp giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Doanh nghiệp sử dụng lao động cũng có thể trở thành chủ đầu tư xây dựng nhà cho người lao động thuê. Có như vậy thì bài toán nhà ở cho công nhân sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.
Dưới góc độ của người quản lý, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, đang tồn tại nghịch lý khi xây dựng nhà ở xã hội nhưng pháp lý thực hiện tương tự nhà ở thương mại. Các dự án nhà ở xã hội kéo dài hơn 1 năm nên khó thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa được triển khai.
“Sở Xây dựng đang trình UBND TPHCM quy trình rút gọn thủ tục các dự án nhà ở xã hội xuống còn 6 tháng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nhanh dự án nhà ở xã hội”, ông Khiết nói. Còn bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị, các sở, ngành nên đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án.
DiaOcOnline.vn – Theo Đại đoàn kết