TPHCM đang “thay da đổi thịt”. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chậm được xử lý. Đây cũng là nỗi trăn trở của người dân và lãnh đạo thành phố.
Nhiều khu dân cư mới đang mọc lên tại TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
|
Vấn nạn đại đô thị
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, tình trạng kẹt xe trong năm 2009 tăng gần 50% so với cùng kỳ 2008. Điều này có nguyên nhân do trong năm 2009 có hàng chục cây số đường bị đào lên để lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, cũng có một lý do tác động trực tiếp là số lượng phương tiện giao thông gia tăng quá nhanh, khoảng 100 ô tô/ngày và 1.300 xe gắn máy 2 bánh/ngày. Trong khi đó diện tích mặt đường có tăng nhưng không đáng kể, thậm chí nhiều con đường còn bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, đậu xe.
Hiện nay, tổng diện tích đường của thành phố mới chiếm hơn 2% so với diện tích thành phố, chỉ bằng 1/10 so với định mức chuẩn để đảm bảo giao thông thông suốt (diện tích đường phải chiếm 15% - 20%/diện tích thành phố).
Cách nay hơn 10 năm, TPHCM đã “tuyên chiến” mạnh mẽ với tình trạng ngập nước. Hầu như năm nào, Sở GTVT cũng lên kế hoạch xóa từ 10 - 20 điểm ngập và cũng có năm thực hiện được khoảng 50% kế hoạch đề ra.
Thế nhưng, hơn 10 năm sau, toàn thành phố vẫn còn khoảng 100 điểm ngập bằng hoặc hơn số điểm ngập của 10 năm trước. Nhiều quận, huyện thuộc “vùng cao” của thành phố như quận 12, 9, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi… trước đây chưa hề ngập, nhưng nay đã trở thành những địa phương có số điểm ngập gia tăng nhiều nhất.
Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, gây ngập cũng có mà do con người gây ra… cũng nhiều. Không ít khu dân cư mới của thành phố thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoặc có nhưng không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, tình trạng xây nhà không phép, không hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các quận, huyện ven thành phố đã làm tình trạng ngập nước càng thêm trầm trọng. Điều này bắt nguồn từ chính sách phát triển nhà ở không phù hợp và thiếu quy hoạch trong một thời gian dài.
Đây là vấn nạn chung của các đại đô thị, trong đó có TPHCM. Mức thu nhập của đại đa số người dân còn rất thấp thì giá nền nhà và các căn hộ trong khu vực có quy hoạch lại rất cao, vượt xa khả năng chi trả của người dân. Không có nhiều lựa chọn, họ buộc phải mua đất và xây dựng nhà trái phép để ở.
Hiện nay, TPHCM đang quyết liệt giải quyết việc này bằng cách phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp nhưng phải mất một thời gian dài mới có thể điều chỉnh.
Xuất phát từ vấn nạn chung của hình thái đại đô thị nên tình hình ô nhiễm môi trường thành phố diễn biến hết sức phức tạp. Một thời gian dài công tác bảo vệ môi trường không được chú trọng đúng mức đã tạo ra thói quen, tư tưởng xem nhẹ việc này.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi ra kênh rạch. Nhiều nhà máy, xí nghiệp tuy đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn lén lút đổ chất thải chưa được xử lý ra môi trường. Kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM thời gian gần đây cho thấy ô nhiễm COD, BOD5, Coliform trong nước kênh rạch khu vực nội thành ở mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần; tình trạng ô nhiễm kênh, rạch ở ngoại thành tăng nhanh qua từng năm.
Nồng độ Coliform tại hầu hết các khu vực được quan trắc đều vượt tiêu chuẩn nhiều lần và chưa có dấu hiệu giảm. Tại các giao lộ lớn ở cửa ngõ thành phố, do lượng xe đi lại quá nhiều nên nồng độ bụi, tiếng ồn luôn ở mức cao. Trên sông Sài Gòn, có nhiều nơi nồng độ Coliform vượt tiêu chuẩn loại B đến 15,3 lần…
Kiến trúc đô thị đặc trưng?
TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa tâm tư: “Nhìn chung, thành phố chưa định hình rõ các mảng, tuyến cảnh quan đặc trưng như mảng tuyến phố cao tầng, mảng biệt thự… Thậm chí một số nơi vốn đã có những đặc trưng ấy như khu biệt thự ở quận 3 lại đang bị mất dần đi do tình trạng chia tách biệt thự cho nhiều hộ cư trú, công trình bị cơi nới, biến dạng hay bị tháo dỡ để xây dựng các công trình mới. Những khu phố đặc trưng của người Hoa ở quận 5, quận 6 bắt đầu đan xen bằng những ngôi nhà có kiến trúc chưa phù hợp”.
Cái mới trong mắt nhiều kiến trúc sư (KTS) là kiến trúc cao tầng, đã xuất hiện trên diện rộng và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong tương lai bằng các cao ốc văn phòng, nhà ở. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ, trong cái mới này chưa có cái riêng mang nét đặc trưng TPHCM. Từng công trình kiến trúc riêng lẻ có thể mang vẻ đẹp riêng như cao ốc hơn 60 tầng của Bitexco tọa lạc ở ngay trung tâm quận 1, tòa nhà làm việc mới của Kho bạc Nhà nước TPHCM, cụm cao ốc khu vực Trường đua Phú Thọ... nhưng dường như nó chưa hài hòa với cảnh quan chung.
Có nhiều nguyên nhân được nêu ra để lý giải cho tình trạng này như “bệnh cái tôi” của KTS thể hiện trong các đồ án kiến trúc của họ. Họ thích vẽ những công trình “riêng biệt” mà không tính đến yếu tố tổng hòa. Vì vậy rất cần ban hành các quy định về quy chuẩn kiến trúc để thành phố phát triển đồng bộ và hài hòa.
Khi trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi được mở rộng, nhiều KTS đã có ý kiến và cả lãnh đạo thành phố cũng ý thức được rằng cần xây dựng ngay quy chế quản lý kiến trúc cho con đường này, bởi đây là cơ hội “hiếm có” để xây dựng lại toàn bộ nhà cửa ở khu vực này đẹp hơn, trật tự hơn.
Thế nhưng, quy định chẳng thấy ban hành và người dân cứ chờ mãi… cho đến khi không thể đợi được nữa, nên tự xây, tự trang trí mặt tiền không theo quy chuẩn nào cả. Bây giờ nhắc lại chuyện này, nhiều KTS còn tiếc ngẩn ngơ. Đáng lẽ thành phố đã có thể có một khu phố đẹp nếu quy định về quản lý kiến trúc được ban hành kịp thời, tôn tạo trục đường chính nối trung tâm thành phố với cửa ngõ quốc tế: sân bay Tân Sơn Nhất.
>>Bài 1: TPHCM to đẹp, đàng hoàng hơn
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng