Nhiều băn khoăn về Quy hoạch chung Hà Nội

Cập nhật 16/06/2010 08:15

Hôm qua, 15-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đa số ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết phải lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội song một số đề xuất được xem là “điểm nhấn”

Hôm qua, 15-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đa số ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết phải lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội song một số đề xuất được xem là “điểm nhấn” trong đồ án lại khiến các ĐBQH lo lắng.


Nhiều ĐBQH đề nghị Hà Nội lấy sông Hồng làm trung tâm

Đường không nên “chọc” vào nhà

Dù đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân giải trình thêm vào đầu giờ, song mở đầu phiên thảo luận, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) vẫn thắc mắc: “Một số đề xuất của đề án chưa có cơ sở luận cứ khoa học và thiếu tính thuyết phục. Đơn cử như việc lựa chọn Ba Vì là nơi xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Rời trụ sở các bộ, ngành lên Ba Vì có lãng phí không?

Tương tự, không có lý do gì để xây dựng một tuyến đường đắt đỏ như Trục Thăng Long. Có ý kiến nói trục này kết nối văn hóa. Tôi cho rằng không có cơ sở bởi không có ai làm được việc đó chỉ bằng một trục đường thẳng!”. ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai) đặt câu hỏi: “Nếu di dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì trong tương lai, vậy có phải phủ định giá trị 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?”

“Trục Thăng Long trước tiên là một trục về không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị. Trục này để thực hiện nhiều mục tiêu. Trong đó, mục đích là phối hợp với các trục hướng tâm hiện nay của thành phố tạo nên một trục không gian mới từ Ba Vì và Ba Đình. Trên cơ sở đó, tổ chức thiết kế những điểm nhấn kiến trúc cho Hà Nội. Hà Nội có 7 trục hướng tâm, nhưng chưa có những điểm nhấn nổi bật về quy hoạch - kiến trúc“.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Cũng mong Hà Nội mở rộng sớm có quy hoạch chung, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) góp ý thẳng: “Không ai đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thủy tận (Ba Vì - PV), trừ trong trường hợp chiến tranh và dựa lưng vào núi như thế thì không có hậu. Bộ Xây dựng rõ ràng chưa dứt khoát, vẫn còn... lưu luyến với ý tưởng dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì...”.

Gọi Trục Thăng Long bằng tên mới “Trục lãng phí”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, những lý do Chính phủ đưa ra để làm trục này không thuyết phục, nên cân nhắc lại. Bởi, “chỉ cách vài km về phía phải và phía trái đã có đường Láng - Hòa Lạc và đường 32 rất rộng...”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói thêm: “Nếu chỉ tạo điểm nhấn mà làm trục này thì tốn kém quá, không nên. Thứ nữa, làm con đường chọc thẳng vào Ba Đình, tức là vào Trung tâm Hà Nội là người ta kiêng, xét trên khía cạnh phong thủy. Không nên có con đường chọc thẳng vào cửa nhà như thế“. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) lên tiếng: “Tôi không hiểu lý do tại sao trong 7 trục thì chúng ta chỉ lấy 1 trục Thăng Long làm trục nhấn, trong khi các trục khác thì không. Cá nhân tôi đề nghị nên bỏ trục Thăng Long này đi. Nếu quy hoạch như thế, e rằng đây là một cơ sở để một số nhà đầu tư lợi dụng làm tăng giá bất động sản lên“.

Nghèo không nên chơi sang

Nhấn mạnh tầm quan trọng có ý nghĩa quốc gia của đồ án, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, phải được cân nhắc rất thận trọng, tránh đưa vào những ý tưởng cá nhân. ĐB Lê Quốc Dung phê phán khá nặng Trục Thăng Long: “Rất khó hiểu về trục Thăng Long và trung tâm hành chính. Ở đây, chúng tôi thấy rất lãng phí về tiền. Chúng ta còn nghèo mà chơi sang kiểu lãng phí như thế là không nên. Thứ nữa là lãng phí đất. Hà Nội ngày càng chật chội mà mất một trục lớn như thế, lãng phí quá...”. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) “thiết tha đề nghị bỏ tên trục Thăng Long thay vào đó là trục nào đó ví dụ trục giao thông Ba Vì để tránh bị các nhà đầu cơ bất động sản lợi dụng”. Không nhất trí đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì, ông Nguyễn Ngọc Đào hỏi: “Với đà cải cách hành chính, 50 năm nữa, Chính phủ đâu cần những cơ ngơi to lớn hoành tráng đến như vậy?”.

“Có ý kiến lo ngại về nhóm lợi ích khi xây dựng quy hoạch. Các nhà đầu tư trước đây đầu tư vào trục Láng - Hòa Lạc, đường 32, giờ mở trục Thăng Long sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ... Song theo tôi không có chuyện đó. Đó là hiểu nhầm thôi, không có căn cứ. Đường Láng - Hòa Lạc làm từ cách đây 6,7 năm, có nhiều dự án đã tập trung phát triển ở đó. Trục Thăng Long chưa có dự án nào, thậm chí trục này có thể còn cắt ngang qua các dự án đang triển khai, tức là những người đang triển khai dự án sẽ bị thiệt hại nhưng họ phải chấp nhận vì lợi ích chung lâu dài”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn

Đồng tình với hầu hết nội dung đồ án song ĐB Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) vẫn băn khoăn về tính khả thi: “Tổng kinh phí cho phát triển hạ tầng Thủ đô tới 2050 là 90 tỷ USD. Con số này quá lớn trong khi đất nước còn phải gánh rất nhiều “siêu” dự án hàng chục tỷ USD khác. Tôi e nợ quốc gia vượt quá chỉ số cho phép và dự án không khả thi...”. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng tỏ ra lo lắng: “Trong vòng 20 năm, ta phải xây dựng một đô thị hiện đại gấp 3 lần lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tính khả thi ở đâu, tôi chưa thấy có lý giải.

Phải làm rõ động lực kinh tế để có thể xây dựng một đô thị khả thi nếu không sẽ dẫn tới quy hoạch treo và sự đầu cơ đất đai làm rối loạn“. Không chỉ băn khoăn “làm thế nào để biến 3 triệu nông dân thành thị dân”, ĐB Trần Du Lịch góp ý, Hà Nội nên tập trung chỉnh trang bờ Nam sông Hồng bởi “nếu đứng từ cầu Chương Dương nhìn bờ Nam sông Hồng thấy buồn lắm”.

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) tỏ ra chưa yên tâm với tư vấn quốc tế lập quy hoạch Thủ đô, ông nói: “Tôi tìm hiểu về tư vấn Posco (Hàn Quốc) thì được biết công ty này thành lập từ năm 1994, thuộc Tập đoàn thép của Hàn Quốc Posco. Tôi chưa thấy công ty này xây dựng một thị trấn hay thành phố nào cả, thế mà giờ lại xây dựng quy hoạch Thủ đô, tôi e rằng kinh nghiệm của họ chưa đủ...”.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô