Người nước ngoài có thể bảo vệ quyền lợi của mình đối với BĐS do người Việt Nam đứng tên

Cập nhật 20/06/2013 11:08

Thực trạng hiện nay, nhiều người nước ngoài để được “mua” bất động sản (BĐS) tại Việt Nam được thuận lợi, họ đã “lỡ” để người Việt Nam đứng tên bất động sản của mình, và việc đó có thể gây ra rất nhiều bất cập cho chính chủ sở hữu thực sự - là người đã bỏ tiền ra mua BĐS đó.

Thực trạng hiện nay, nhiều người nước ngoài để được “mua” bất động sản (BĐS) tại Việt Nam được thuận lợi, họ đã “lỡ” để người Việt Nam đứng tên bất động sản của mình, và việc đó có thể gây ra rất nhiều bất cập cho chính chủ sở hữu thực sự - là người đã bỏ tiền ra mua BĐS đó.


Về nguyên tắc, khi người Việt Nam đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây xin phép gọi tắt là Giấy chứng nhận) thì người Việt Nam là chủ sở hữu hợp pháp đối với BĐS đó.

Nhưng khi người đứng tên Giấy chứng nhận không phải là chủ sở hữu thật sự của BĐS đó thi có thể xảy ra vấn đề sau:

Người nước ngoài phải thông qua người Việt Nam nếu muốn chuyển nhượng BĐS đó nhưng người quyết định chuyển nhượng theo pháp luật là người Việt Nam.

Người Việt Nam có thể tự do chuyển nhượng mà không cần thông qua ý kiến của người nước ngoài.

Một số người nước ngoài cho rằng, để ngăn cản người Việt Nam thực hiện hành vi chuyển nhượng BĐS mà không có ý kiến của mình, người nước ngoài có thể tiến hành giữ Giấy chứng nhận sau khi để người Việt Nam thực hiện giao dịch mua BĐS đó.

Tuy nhiên, người Việt Nam có thể gửi đơn khai báo mất Giấy chứng nhận đến Ủy ban nhân dân (UBND) nơi đã cấp Giấy chứng nhận và yêu cầu được cấp lại. Sau khi nhận đơn báo mất, UBND sẽ niêm yết công khai việc mất Giấy chứng nhận trong thời gian 15 ngày và đăng tin mất trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian không quá 10 ngày.Trong thời gian đó, nếu thông tin đó không kịp thời đến được tay người nước ngoài để can thiệp thì UBND sẽ cấp Giấy chứng nhận mới cho người Việt Nam. Khi đó, người Việt Nam đã có quyền thực hiện hành vi chuyển nhượng hợp pháp mà không cần sự đồng ý của người nước ngoài.

Nhưng nếu người nước ngoài kịp thời phát hiện ra các hành vi trên, người nước ngoài có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Căn cứ Điều 122, Điều 127, Điều 129  Bộ luật Dân sự 2005, Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ tuyên giao dịch giữa người nước ngoài và người Việt Nam về việc đứng tên BĐS thay là vô hiệu. Người Việt Nam sẽ phải trả lại số tiền đã nhận để mua hộ trước đây cho người nước ngoài, lúc này họ sẽ trở chủ sở hữu chính thức và hợp pháp của BĐS đó. Tuy nhiên, nếu người Việt Nam không có khả năng hoàn trả thì BĐS trên sẽ được bán để người nước ngoài nhận lại số tiền đó. Để khởi kiện, người nước ngoài phải có chứng cứ về việc gửi tiền cho người ViệtNam thực hiện việc mua BĐS và để người Việt Nam đứng tên.

Theo khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 19/2008 của Quốc hội, người nước ngoài có quyền khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở và vi phạm quy định pháp luật khác có liên quan.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn Doanh nghiệp