Nên ghi hai loại diện tích vào sổ hồng

Cập nhật 26/04/2014 10:10

Sau khi Thông tư 03/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng tính diện tích căn hộ theo thông thủy có hiệu lực từ ngày 8/4/2014, các chủ đầu tư đang lo ngại sẽ xảy ra những xung đột giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp và khách hàng.

Sau khi Thông tư 03/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng tính diện tích căn hộ theo thông thủy có hiệu lực từ ngày 8/4/2014, các chủ đầu tư đang lo ngại sẽ xảy ra những xung đột giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp và khách hàng.


Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, Bộ Xây dựng không nên phân định chuyện sở hữu chung - riêng một cách quá cứng nhắc. Điều này sẽ tạo ra nhiều xung đột mới.

Theo đó, đối với những khách hàng đã mua nhà và dọn vào ở khoảng 3 năm nay, đã trả tiền mua nhà theo cách diện tích tim tường nhưng đến khi nhận sổ hồng lại ghi theo thông thủy, khiến diện tích căn hộ giảm từ 5 - 10% (dù thực tế, diện tích sử dụng không giảm). Thậm chí, theo ông Đực, không ít người dân bắt doanh nghiệp tính tiền lại theo diện tích mới.

Lỗi này không tại ai, chỉ tại sổ hồng khiến người mua có cảm giác mất mát trên giấy tờ. Hiện tại, trong những đợt bán hàng mới, nhiều doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh diện tích theo cách tính của Thông tư 03. Nhưng thực tế, đã có không ít trường hợp lúng túng vì quy định mới, điển hình như Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Công ty này đang có dự án nhà ở thương mại tại quận 3, giá bán theo tính toán ban đầu là 21 triệu đồng/m2, sau đó, giảm còn 15 triệu đồng/m2 theo tim tường, hồ sơ thủ tục đã hoàn tất năm 2013, nhưng đến năm 2014, quy định bán nhà tính diện tích theo thông thủy buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán, điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Đực, cách tính diện tích mới có khả năng tạo ra xung đột giữa các cơ quan quản lý và người dân. Tại sao? Nếu đồng loạt thay đổi sổ hồng với diện tích mới tính theo thông thủy thì dân sẽ kiện, còn nếu không đổi thì cùng lúc lưu hành sổ hồng với hai cách tính diện tích khác nhau.

Thêm nữa, khi đền bù giải tỏa theo thông thuỷ (không kể tường, cột - sở hữu chung), Nhà nước giảm chi phí, người dân bị thiệt hại, lại tạo ra xung đột. Do đó, theo kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đực, ngay trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, các cơ quan quản lý nên xem xét ghi nhận hai diện tích (diện tích sàn xây dựng và diện tích thông thủy - sở hữu riêng) dựa trên hiện trạng của khu đất để tránh tình trạng "bối rối" như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân SG