Năng lực quyết định việc phân cấp quy hoạch

Cập nhật 25/06/2014 09:43

Ngày 24/6, Sở QH - KT đã tổ chức giao ban công tác quy hoạch xây dựng TP Hà Nội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tham dự và có ý kiến tại buổi giao ban có đại diện của Bộ Xây dựng, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã.

Ngày 24/6, Sở QH - KT đã tổ chức giao ban công tác quy hoạch xây dựng TP Hà Nội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tham dự và có ý kiến tại buổi giao ban có đại diện của Bộ Xây dựng, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã.

Tiếp tục duy trì công tác phối hợp hiệu quả như đã thực hiện trong những năm vừa qua; thực hiện phân cấp cho các quận, huyện, thị xã; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung… là những vấn đề trọng tâm được đặt ra cho ngành QH - KT trong thời gian tới.

Hài lòng về sự phối hợp

Từ một Sở thường xuyên bị phàn nàn về phong cách, thái độ làm việc, đến nay, Sở QH - KT đã nhận được sự phản hồi tích cực về công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục, tháo gỡ vướng mắc từ phía các quận, huyện, thị xã. Công tác giao ban giữa Sở QH - KT và các quận, huyện, thị xã đã được tổ chức định kỳ từ năm 2010 với chất lượng ngày càng tốt hơn. Việc giao ban được thực hiện ở các cấp, ở cấp phòng vào ngày 25 hàng tháng; giao ban cấp lãnh đạo Sở với UBND quận, huyện, thị xã được thực hiện định kỳ 3 tháng/lần.

Quy hoạch phát triển đô thị phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng địa phương. Ảnh: Linh Anh

Phó Giám đốc Sở QH - KT Bùi Mạnh Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở đã tổ chức làm việc trực tiếp với 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Ngay sau khi quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được thành lập, lãnh đạo Sở và hai quận đã họp để có định hướng kịp thời về quy hoạch phát triển đô thị phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của các quận này. Sở cũng đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình lập, tổ chức lấy ý kiến, thẩm định và trình duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết liên quan. Các địa phương đã cùng Sở rà soát, bổ sung quỹ đất hạ tầng xã hội như trường học, chợ, nhà văn hóa, công viên, vườn hoa tại khu vực các quận nội thành.

Ông Lâm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đánh giá, duy trì được nền nếp giao ban, phối hợp như Sở QH - KT là việc ít sở làm được. Giao ban là dịp để cùng giải quyết các vướng mắc và địa phương học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, triển khai quy hoạch. Xác định quy hoạch đi trước một bước, đặc biệt công tác cấp phép, cấp giấy chứng nhận, đầu tư... đều phải căn cứ vào quy hoạch, quận đã giao phòng chuyên môn phải có các buổi làm việc định kỳ. Vì vậy, hiện, quận Hai Bà Trưng không có vướng mắc và các vấn đề tồn đọng liên quan đến quy hoạch - kiến trúc.Đại diện cho các huyện ở phía Bắc sông Hồng, Phó Chủ tịch huyện Mê Linh Hà Huy Quang đánh giá, chưa thời điểm nào công tác quy hoạch được quan tâm như vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, ông Quang bày tỏ băn khoăn, mặc dù quyết tâm rất cao, tiến độ đã được đẩy nhanh, nhưng với đà thực hiện nhiệm vụ như hiện nay, công tác quy hoạch sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Liên quan đến huyện Mê Linh, hiện phân khu GN vẫn chưa xong, điều này đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong công tác quản lý, lập quy hoạch theo phân cấp. Hiện mới có 13 trong tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu được TP phê duyệt. Ngoài 2 đồ án đã trình UBND TP phê duyệt, các đồ án còn lại đang trong quá trình lập, thẩm định, lấy ý kiến để hoàn thiện.

Xem xét kỹ năng lực để phân cấp

Nóng lòng về tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nhiều quận, huyện, thị xã có chung đề nghị với Sở QH - KT để tham mưu cho TP sớm ban hành quy chế phân cấp mới. Việc phân cấp triệt để cho các quận, huyện, thị xã được kỳ vọng sẽ tạo nên sự chủ động trong việc triển khai và quản lý quy hoạch - kiến trúc trên địa bàn toàn TP. 

Lưu ý về điều kiện để phân cấp, ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, điều kiện thứ nhất mà các địa phương phải đáp ứng đó là tổ chức bộ máy, các quận phải có phòng quản lý đô thị, ở các huyện có thể lồng ghép vào một phòng chuyên môn; thứ hai phải có con người, cần có cán bộ chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, giao thông đô thị; thứ ba là cần có quy hoạch phân khu. Đặc biệt, sau khi phân cấp, Hà Nội cần có biện pháp quản lý, tránh sự tùy tiện tại các địa phương.

Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Thế Hùng khẳng định, vai trò của các chính quyền quận, huyện, thị xã trong công tác quy hoạch là rất quan trọng bởi địa phương là người hiểu hơn ai hết về nhu cầu, các yếu tố tác động. Theo chỉ đạo của TP, về việc phân cấp cho chính quyền địa phương, để đảm bảo hiệu quả phân cấp, sẽ xem xét kỹ về năng lực của từng quận, huyện, thị xã để phân cấp. Có thể phân cấp toàn bộ, một phần, thậm chí không phân cấp nếu địa phương không đủ năng lực. Sau khi được phân cấp, các địa phương cần tiếp tục kiện toàn năng lực, đội ngũ chuyên môn.

Sở QH - KT đã tiếp nhận 24 ý kiến từ các địa phương, sở, ngành về dự thảo quy định mới về phân cấp trong quy hoạch và đã báo cáo TP. Sau khi có kết quả thẩm tra của Sở Tư pháp, Sở QH - KT sẽ trình TP phê duyệt trong tháng 7/2014. Theo dự thảo về quy định phân cấp, các quận, huyện thị xã sẽ có thẩm quyền lập quy hoạch cho khu vực phát triển đô thị, dự án có quy mô đến 50ha và toàn bộ khu vực nông thôn. Về năng lực, qua rà soát, hiện có 13 đơn vị quận, huyện, thị xã đáp ứng đủ điều kiện để phân cấp toàn diện.



DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT