Năng lực quy hoạch kém, "treo" quyền lợi của dân

Cập nhật 29/08/2008 13:00

Năng lực lập quy hoạch yếu kém, không sát thực tế, dẫn đến nhiều khu quy hoạch bị "treo" do không thể triển khai và quyền lợi chính đáng của người dân cũng bị "treo" theo...

Năng lực lập quy hoạch yếu kém, không sát thực tế, dẫn đến nhiều khu quy hoạch bị "treo" do không thể triển khai và quyền lợi chính đáng của người dân cũng bị "treo" theo.

Ngày 28/8, đoàn giám sát Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM đã làm việc với UBND quận 12 về tình hình quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn.

Nhiều vấn đề về năng lực lập, thẩm định quy hoạch; vấn đề phân cấp lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000; xóa quy hoạch treo... đã được đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Châu Kỳ rất quan tâm đến vấn đề giải quyết tình trạng quy hoạch treo và những động thái của chính quyền trong việc giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp, của người dân trong những khu quy hoạch treo, khu quy hoạch nhưng chậm triển khai.

Ông Kỳ cho rằng, tình trạng quy hoạch treo trên địa bàn quận 12 vẫn còn tồn tại khá nhiều, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Ông Kỳ đặt vấn đề cần phải xác định lại tổng diện tích đang vướng tình trạng quy hoạch treo là bao nhiêu và đến bao giờ mới xóa được treo? Bên cạnh đó, trong những khu quy hoạch treo, chính quyền có chính sách gì để giúp dân ổn định cuộc sống?

Tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn quận 12 cũng được ông Kỳ đặt ra, bởi đây là vấn đề khá nhức nhối và phổ biến.

Theo ông Kỳ, việc xây nhà trái phép không chỉ diễn ra một đêm nên không thể nói chính quyền sở tại không biết, không kịp ngăn chặn.

Thực tế là chính quyền biết nhưng đôi khi lại lờ đi vì nghĩ đó là điều tất yếu từ bức xúc cuộc sống của người dân do không có quy hoạch, quy hoạch treo nên nếu có xin phép thì cũng không ai cấp.

Tuy nhiên, vấn đề này đã được Đoàn giám sát và UBND quận 12 thống nhất sẽ trao đổi kín ngay sau buổi giám sát kết thúc.

Đại diện UBMTTQ VN TP.HCM cũng bức xúc khi nhiều hộ dân có nhà cửa, đất đai hợp pháp, có giấy hồng, sổ đỏ, nhưng nằm trong khu quy hoạch treo 100ha công viên cây xanh nên không thể chuyển nhượng, thế chấp để vay vốn làm ăn.
Cơ quan nhà nước không làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý, quy hoạch, nên "treo" luôn quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo báo cáo của UBND quận 12 về quản lý quy hoạch trên địa bàn, trong 2 năm qua, đã giải quyết được 225 đơn khiếu nại về quy hoạch, phần lớn liên quan đến quy hoạch treo.

Nhiều khu vực được quy hoạch là công trình công cộng, công viên cây xanh, giao thông... nhưng do hạn chế kinh phí, chưa có kế hoạch đầu tư, từ đó dẫn đến quy hoạch treo, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, khiếu kiện kéo dài, gay gắt.

Cũng theo UBND quận 12, mặc dù đã tập trung điều chỉnh những bất hợp lý về quy hoạch chi tiết, xây dựng tỉ lệ 1/2000 và đến nay đã đạt được 62%, nhưng vẫn không thể xóa hoàn toàn quy hoạch treo.

Chủ tịch UBND quận 12 Đặng Văn Đức cho biết, tuy đã có chủ trương xóa quy hoạch treo 100ha công viên cây xanh, nhưng do còn vướng một số vấn đề, nên chưa thể xác nhận để dân thực hiện các quyền, lợi ích của mình trên đất, công trình trong khu quy hoạch này.

Một trong những vấn đề cũng được nhiều đại biểu HĐND TP quan tâm là việc thành phố phân cấp cho quận huyện duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000. Liệu cấp quận huyện có đủ năng lực để kham nổi việc này không bởi công tác quy hoạch vẫn cứ ì ạch?



Đối diện với Trung tâm hành chính quận 12 cơ sở
hạ tầng vẫn còn ngổn ngang. Ảnh T.Thuấn.


Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM tâm tư: "Có cảm giác việc phân cấp duyệt quy hoạch về cho quận huyện là không hợp lý, vì cấp quận huyện không đủ năng lực, không đủ thông tin, nên khi làm quy hoạch phải chạy ngược lên hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc và đồ án quy hoạch cũng phải qua sở này thẩm định".

Ông Nghĩa cũng cho rằng, hiện công tác lập quy hoạch đang rất bất hợp lý khi quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, giao thông của thành phố chưa xong thì làm sao quy hoạch chung, chi tiết của quận huyện, phường xã có thể hoàn thiện. Nếu có xong cũng phải chỉnh sửa cho phù hợp quy hoạch của thành phố.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12 bức xúc: "Chủ trương phân cấp là đúng nhưng không tính đến điều kiện, năng lực, nhân sự của cấp quận huyện trong công tác duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000".

Chủ tịch quận Đặng Văn Đức thì cho rằng: "Hiện đội ngũ kiến trúc sư quy hoạch cả thành phố chỉ đếm được trên đầu ngón tay, cấp quận huyện đào đâu ra người để làm quy hoạch. Giá như có đi nữa nhưng với đồng lương như hiện nay (1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng) thì mời được ai!".

Cũng theo ông Hổ, một trong những vấn đề mà các địa phương hiện đang gặp khó trong công tác quy hoạch là vướng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông của thành phố. Nhiều đồ án quy hoạch phải chựng lại chờ ý kiến của các đơn vị liên quan.

Đánh giá chất lượng, tiến độ các đồ án quy hoạch do đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch xây dựng thực hiện, ông Hổ cho rằng, khâu này còn yếu, chưa theo kịp tình hình phát triển đô thị, nhiều đồ án phải chỉnh sửa, tiến độ rất chậm.

Ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thừa nhận năng lực của đơn vị tư vấn còn hạn chế và tiến độ cũng chậm do cùng lúc phải thực hiện quá nhiều công việc.

Theo Vietnamnet