Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định mục tiêu cấp giấy chứng nhận cho 85% diện tích các loại đất, tổng khối lượng cần cấp giấy chứng nhận của 22 tỉnh, thành phố trọng điểm khoảng 3.726.000 giấy, với tổng diện tích hơn 2 triệu ha.
Năm 2013 phấn đấu cấp giấy chứng nhận cho 85% diện tích các loại đất.
|
Hôm nay, 25/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013 tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch, trong 22 tỉnh, thành phố trọng điểm theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg, có 18 tỉnh, thành phố đã rà soát, thống kê kết quả và tình hình tồn đọng cấp giấy chứng nhận hiện nay, các tỉnh chưa báo cáo rà soát gồm Điện Biên, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk.
Số lượng tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận ở các tỉnh còn rất lớn, nhiều nhất là Hà Nội 168.000 thửa đất và gần 500 ngàn căn hộ, Nghệ An 335.000 thửa, TP Hồ Chí Minh 311.000 thửa đất và căn hộ, Gia Lai 218.000 thửa, Khánh Hòa 141.000 thửa, Quảng Ngãi 140.600 thửa, Đắk Nông 119.000 thửa, Hải Phòng 104.000 thửa, Quảng Ninh 80.800 thửa.
Số lượng các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp; vi phạm pháp luật đất đai ở nhiều địa phương có khối lượng lớn, dưới nhiều hình thức, phổ biến là các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất đai nên các huyện, thị còn để lại chưa giải quyết.
Cụ thể, đất ở đô thị vi phạm phổ biến dưới hình thức chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng trái phép từ đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng được duyệt. Nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, nhà chung cư mini tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vi phạm chủ yếu là xây dựng không đúng giấy phép, thiết kế, quy hoạch được duyệt, hoặc chưa làm thủ tục pháp lý về đất đai; bỏ đất hoang hóa; nhiều người mua nhà ở để bán kiếm lời nên chưa muốn làm thủ tục để tránh nộp thuế và lệ phí trước bạ.
Đất chuyên dùng vi phạm do các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã không sử dụng hoặc cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích sử dụng trái phép sang làm dịch vụ hoặc quản lý không chặt để bị lấn chiếm, gây tranh chấp đất đai kéo dài chưa giải quyết được…
Để đạt mục tiêu cấp giấy chứng nhận cho 85% diện tích các loại đất, tổng khối lượng cần cấp giấy chứng nhận của 22 tỉnh, thành phố trọng điểm trong năm 2013 là khoảng 3.726.000 giấy với tổng diện tích hơn 2 triệu ha.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã chỉ đạo các địa phương cần thành lập ngay Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, giao ban định kỳ giữa các cấp để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng xã, không để việc cấp giấy chứng nhận ách tắc kéo dài.
Kết thúc năm 2013, các địa phương cần theo dõi, thống kê, báo cáo đầy đủ kết quả đạt được, số lượng tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận đối với từng loại đất, từng loại đối tượng sử dụng theo từng loại nguồn gốc, nguyên nhân tồn đọng cụ thể.
Các địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: Sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ theo hướng miễn thu lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở trong năm 2013 và giảm mức thu xuống còn 0,2% trong năm 2014 để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký đất đai, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương lộ trình chuyển việc chứng thực các hợp đồng giao dịch về đất đai do ủy ban nhân dân cấp xã đang thực hiện sang cơ quan công chứng thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo chinhphu.vn