Bảo lãnh vay vốn cho các dự án xây nhà ở bán cho người có thu nhập thấp, nhà cho công nhân và sinh viên thuê...; không bảo lãnh cho các dự án bất động sản, chứng khoán...
Bảo lãnh vay vốn cho các dự án xây nhà ở bán cho người có thu nhập thấp, nhà cho công nhân và sinh viên thuê...; không bảo lãnh cho các dự án bất động sản, chứng khoán...
Đối tượng được Ngân hàng Phát triển VN bảo lãnh vay vốn là doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế (kể cả HTX) có vốn điều lệ tối đa 20 tỉ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động.
Đây là một trong những nội dung của Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn tại các ngân hàng thương mại (Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21-1-2009).
Bên cạnh việc sửa đổi đối tượng được bảo lãnh vay vốn như trên, Thủ tướng Chính phủ còn quyết định sửa đổi phạm vi bảo lãnh. Theo đó, không bảo lãnh cho các DN vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ; vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác. Trong lĩnh vực này, chỉ bảo lãnh cho DN vay vốn thực hiện các dự án xây dựng nhà ở bán cho người có thu nhập thấp; nhà cho công nhân và sinh viên thuê; xây dựng nghĩa trang.
Ba trong sáu điều kiện để DN được bảo lãnh vay vốn theo quy định cũ là DN không nợ đọng thuế, DN không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế và sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay (tối đa 90%) và vốn chủ sở hữu (tối thiểu 10%) để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại bên bảo lãnh. Nay theo quy định mới, xóa bỏ hoàn toàn điều kiện nợ đọng thuế, còn trường hợp DN có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cam kết trả được nợ quá hạn thì được bên bảo lãnh thẩm định, quyết định bảo lãnh vay vốn. Đồng thời, DN sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay thực hiện dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại bên bảo lãnh.
Theo quy định mới, thời hạn bảo lãnh vay vốn phù hợp với thời gian cho vay của bên nhận bảo lãnh (kể cả thời gian gia hạn nếu có).
Khi có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh xem xét và ký hợp đồng tín dụng với DN, không phải thẩm định lại các điều kiện quy định DN được bảo lãnh vay vốn nữa.
Bên bảo lãnh có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên được bảo lãnh sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích.
Trong quyết định mới ban hành này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính có cơ chế để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay có bảo lãnh thấp hơn lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm tính ưu đãi về lãi suất cho vay thực tế đối với DN.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động