Luật Nhà ở “dậy sóng” với hàng loạt vấn đề sửa đổi “nóng”

Cập nhật 29/09/2013 22:27

Tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt; nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh nhà nghỉ; học sinh, sinh viên cũng được mua nhà ở xã hội… là nhiều vấn đề “nóng” trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, gây chú ý dư luận.

Tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt; nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh nhà nghỉ; học sinh, sinh viên cũng được mua nhà ở xã hội… là nhiều vấn đề “nóng” trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, gây chú ý dư luận.


Luật nhà ở sửa đổi với nhiều vấn đề “nóng“ nhưng đều không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia và dư luận.

Cấm sử dụng tên nước ngoài, viết tắt đặt tên cho khu nhà ở Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, chủ đầu tư khi triển khai phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, môi trường và bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa, thiên tai, cân đối lại tỷ trọng nhà ở theo hướng tăng nhà chung cư và nhà cho thuê tại các đô thị lớn.

Các dự án phát triển nhà ở chỉ được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện tại khu vực đã có quy hoạch chi tiết đô thị hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn và nằm trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.

Đặc biệt, tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án đã được phê duyệt, chỉ được thay đổi khi có phê duyệt của cơ quan thẩm quyền.

Theo tìm hiểu, tình trạng sử dụng ngôn ngữ nước ngoài khi đặt tên cho dự án bất động sản đang diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội hiện nay. Ví như: Riêng Tập đoàn Tân Hoàng Minh 4 dự án hạng sang đều sử dụng tiếng Pháp để đặt tên, các dự án của nhiều chủ đầu tư khác như: Usilk City (Hoàng Mai), dự án Mandarin garden (Cầu Giấy), The Manor (Từ Liêm), Hyundai Hillstate (Hà Đông), Star Tower (cầu Giấy)…

Trước vấn đề phải sử dụng tên dự án bằng tiếng Việt, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam rất đồng tình vì hầu hết các tên dự án sử dụng tiếng nước ngoài đang gây rắc rối, khó nhớ cho người dân và có phần lai căng văn hóa.

Tuy nhiên theo ông Liêm, vấn đề trên không nên đưa vào Luật Nhà ở vì không phù hợp, máy móc và không đúng chức năng của ngành xây dựng lại gây phiền nhiễu rắc rối cho doanh nghiệp. “Việc này theo tôi ngành văn hóa làm sẽ hợp hơn là ngành xây dựng. Chúng ta chỉ nên coi đây là cuộc vận động, thuyết phục người Việt dùng tiếng Việt chứ không nên áp đặt, nâng lên thành luật quy định cứng nhắc”, ông Liêm nói.

Cấm sử dụng nhà ở vào mục đích khác: Phản đối từ nhiều phía

Một vấn đề “nóng” khác khiến dư luận quan tâm, đó là dự thảo nêu quy định nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như: kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Luật Nhà ở 2005 không có điều khoản nào quy định nhà ở chỉ được dùng để ở. Luật này cũng chỉ nghiêm cấm việc sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị pháp luật cấm, nên không thể chứng minh việc kinh doanh, sản xuất và cho thuê nhà nằm trong danh mục bị pháp luật ngăn cấm.

Mặt khác, nhiều chủ nhà nghỉ cũng phản ứng nếu quy định này được thực thi, bởi lẽ kinh doanh nhà nghỉ đang là công cụ “kiếm cơm” của khác nhiều gia đình hiện nay. Nhiều ý kiến cũng không đồng tình bởi không phải người dân nào cũng có tiền để vào nghỉ tại khách sạn khi phải đi công tác…

Hơn hai năm trước, quan ngại về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, xáo trộn cuộc sống các cư dân trong toà nhà, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một văn bản trong đó yêu cầu các địa phương nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng. Song, quy định này ngay sau đó cũng đã nhận được phản đối của khá nhiều chuyên gia, dư luận vì cho rằng thiếu tính thực tế và khó kiểm soát.

Đối với phương án chỉ được sở hữu chung cư trong thời hạn 70 năm đối với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua cũng nhận được nhiều ý kiến không đồng tình. Bởi lẽ, chung cư là tài sản mà người dân phải tích lũy cả đời mới mua được, liên quan đến vấn đề di chúc cho con cái.

Nếu phương án này được thực thi thì theo luật sư Mạnh Bùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) sẽ xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của người dân theo luật Dân sự. Đã là quyền sở hữu là bất khả xâm phạm, không được tách rời quyền sở hữu hay khống chế thời gian sở hữu.

Liên quan đến việc thuê, mua nhà ở xã hội, dự thảo cũng nêu rõ 9 đối tượng được hưởng ưu đãi này. Trong đó, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề (không phân biệt công lập hoặc dân lập) cũng nằm trong nhóm này.

Theo dự thảo, người thu nhập thấp là không thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, người thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Trường hợp mua, thuê mua nhà ở thì bên mua, thuê mua chỉ được phép bán, cho thuê nhà ở đó sau khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và đã được cấp Giấy chứng nhận nhà ở. Mọi trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng và quy định của Luật này thì không có giá trị pháp lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet