Luật Đất đai: Ý kiến không mới cho những vấn đề đã cũ!

Cập nhật 07/11/2013 09:45

Phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 6/11 ghi nhận nhiều ý kiến, nhưng không có nhiều điểm mới, về các vấn đề cũ đã được đưa ra thảo luận lâu nay.


Vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai một lần nữa được đề cập trong các phát biểu của các đại biểu Quốc hội.

Phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 6/11 ghi nhận nhiều ý kiến, nhưng không có nhiều điểm mới, về các vấn đề cũ đã được đưa ra thảo luận lâu nay.

Làm rõ sở hữu đất đai

Vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai một lần nữa được đề cập trong các phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), về chế độ sở hữu đất đai, dự thảo luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, quy định như vậy chưa phù hợp so với thực tế.

“Vấn đề này đã có rất nhiều tranh cãi, và ban soạn thảo xem xét quy định như vậy thì có trái với điều 200 của Bộ Luật Dân sự hiện hành hay không. Bộ luật Dân sự hiện hành ở điều 200 có quy định tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, như vậy hai quy định như thế thì quy định nào là đúng. Thêm vào đó tôi thấy khái niệm về sở hữu toàn dân là quá chung và có tính pháp lý chưa cao và chưa thật đúng với thực tế”, bà Hương nói.

Theo đại biểu này, để phù hợp hơn so với thực tế và thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đề nghị quy định đây là sở hữu nhà nước sẽ có cơ sở pháp lý hơn và quy định như vậy cũng không làm mất đi bản chất của chế độ.

“Bởi vì bản chất của nhà nước là của dân, do dân và vì dân nên việc nhà nước đại diện cho nhân dân sở hữu đất đai là phù hợp và nhà nước thống nhất quản lý và trao quyền sử dụng cho người dân sử dụng đất theo quy định của luật này”, bà nói thêm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là cần thiết, tuy nhiên, Luật Đất đai 2003 với hơn 200 văn bản hướng dẫn trong đó có 13 nghị định, 65 văn bản hướng dẫn, hơn 150 văn bản liên quan khác vẫn chưa làm rõ được cơ chế đại diện quyền sở hữu đảm bảo tính quốc gia đối với sở hữu đất đai và phòng ngừa tình trạng tham nhũng, lạm dụng trong quản lý và sử dụng đất đai.

“Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan khác ở đâu, đến đâu khi chỉ quy định quyền và cơ chế quản lý cao nhất là Chính phủ và chưa rõ khuôn khổ chế tài cụ thể cho quản lý đất đai của Chính phủ mặc dù ở điều 21 có quy định cơ quan nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai nhưng vẫn còn chung chung. Tôi đề nghị bổ sung và quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan khác trong cơ chế đại diện và quản lý đất đai”, bà Hà nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lưu ý rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, điều đó có nghĩa dân phải được thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua quy định của pháp luật, nhưng thực tế chưa thể hiện và diễn ra như vậy.

Theo bà Nguyệt, quy định của pháp luật và thực tế hiện nay trong nhiều năm qua đã tạo cơ hội cho không ít cá nhân và tổ chức giàu lên nhanh chóng từ đất đai, trong đó có cả sự tham nhũng, dự thảo luật đưa ra khá nhiều giải pháp cho các bức xúc, vướng mắc hiện nay dưới dạng nguyên tắc và giao cho Chính phủ hướng dẫn.

“Vẫn còn rất nhiều bức xúc vẫn chưa có giải pháp, quy định của dự thảo sửa đổi không thay đổi gì nhiều so với các quy định của luật hiện hành”, bà Nguyệt nhận xét.

Làm rõ “khung giá” và “giá thị trường”

Ý kiến của đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) liên quan đến định giá đất cũng gây chú ý tại phiên thảo luận và nhận được các ý kiến bổ sung khác của nhiều đại biểu.

Theo ông Hoàng, trong dự thảo luật quy định giá đất do nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng là “phù hợp với xu thế Việt Nam, hiện nay đang có uy tín khá tốt trong quá trình hội nhập quốc tế, đang mong muốn cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ”. Tuy nhiên, giá thị trường được xác định như thế nào cần phải được làm rõ.

“Theo tôi thị trường là phải để thị trường quyết định, giá qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường. Khi đó giá đất rất minh bạch, ngay trong một xã, một thôn, một ấp có thể có giá đất khác nhau và người dân được đền bù khác nhau, bởi thôn, ấp bị thu hồi có vị trí thuận lợi khác nhau, vị thế khác nhau”, ông Hoàng đề xuất.

Ông cũng lưu ý rằng đây là vấn đề “rất cụ thể”, khi thu hồi đất cần phải công khai, minh bạch, giá cả cần phải được thỏa thuận với cộng đồng dân cư chứ không phải theo hình thức họp dân như hiện nay, nhưng “thực chất đã do chính quyền quyết định rồi, việc họp dân chỉ mang tính chất thông qua mà thôi”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thì cho rằng về giá đất, việc quy định “Chính phủ quy định phương án quy định giá đất nhưng không đề cập đến vấn đề phương pháp xác định khung giá đất này như thế nào” là một bất cập.

Không chỉ vậy, hiện nay quy định khung giá đất 5 năm là quá dài. “Hiện nay chúng ta đang một năm mà vẫn nhiều khiếu kiện, thắc mắc. Vậy thì vấn đề này có cần thiết hay không, tôi nghĩ rằng trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay về mặt lâu dài chúng ta có thể như vậy, nhưng trong điều kiện hiện nay và tình hình giá đất đai hiện nay, tôi nghĩ rằng phải 2-3 năm thì hợp lý hơn”, ông nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Vneconomy