Kiến nghị giữ ổn định bảng giá đất trong 3-5 năm

Cập nhật 08/01/2011 08:40

“Áp dụng Luật Đất đai, nhiều lĩnh vực đạt được kết quả đáng kể như cấp giấy chứng nhận, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất - cho thuê đất…

“Áp dụng Luật Đất đai, nhiều lĩnh vực đạt được kết quả đáng kể như cấp giấy chứng nhận, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất - cho thuê đất…"

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế cần kiến nghị tháo gỡ”. Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Văn Hồng nhận xét trong buổi tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 tại TP, ngày 7-1.

Trong các vướng mắc được phản ánh, nổi bật vẫn là vấn đề giá đất. Theo Sở TN&MT, bảng giá đất ban hành hằng năm áp dụng cho nhiều mục đích dẫn đến xung đột lợi ích của các chủ thể khác nhau. “Chi phí, thời gian phục vụ cho việc xây dựng bảng giá đất hằng năm rất lớn nhưng hiệu quả rất hạn chế”, Sở này nhận xét. Theo Sở TN&MT, việc ban hành bảng giá đất hằng năm không cần thiết, thay vào đó nên giữ ổn định trong khoảng 3-5 năm.

Cũng theo Sở TN&MT, chính sách thu tiền sử dụng đất khi giao đất theo giá thị trường như quy định hiện nay chưa phù hợp thực tế, dẫn tới ách tắc. Theo thống kê, hiện có khoảng 46 dự án nhà ở đã hoàn thành thủ tục giao đất bị vướng việc nộp tiền sử dụng đất. Sở TN&MT nhận xét tiền sử dụng đất của doanh nghiệp tính theo giá thị trường sẽ dẫn đến nguy cơ giá đất trên thị trường liên tục tăng, không có điểm dừng.

Đại diện Cục Thuế TP, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Trưởng phòng Tổng hợp-Nghiệp vụ-Dự toán, cũng cho biết vấn đề nộp tiền sử dụng đất theo giá nào đã gây khó khăn cho nhiều cá nhân, hộ gia đình. “Công văn 1173 của Thủ tướng chỉ gỡ vướng cho phần diện tích đất trong hạn mức đất ở (được đóng theo bảng giá đất), còn phần ngoài hạn mức thì chưa. Mới đây, Cục Thuế TP đã nhận được dự thảo thông tư hướng dẫn về tiền sử dụng đất, tinh thần là đối với phần đất vượt hạn mức, hộ gia đình cá nhân phải đóng theo giá thị trường” - bà Vân thông tin.

Tuy nhiên, bà Vân đánh giá nếu thực hiện theo quy định vừa nêu sẽ gặp rất nhiều vướng mắc vì thủ tục nhiêu khê. Cụ thể, theo dự thảo, khi gặp trường hợp này chi cục thuế phải gửi hồ sơ cho Sở Tài chính để giao cho Phòng Tài chính của quận, huyện thuê đơn vị thẩm định giá. Sau khi có chứng thư thẩm định giá, phòng này sẽ trình lại Sở Tài chính xem xét, sau đó chuyển qua UBND thông qua rồi trở về chi cục thuế để ra thông báo thuế.

Quy trình này rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. “TP cần tiếp tục kiến nghị vấn đề này để bảo đảm quyền lợi người dân. Trong báo cáo với Chính phủ, tiền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân nên được chú trọng hơn nữa” - bà Vân đề nghị.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP