TP.HCM sẽ có trung tâm ẩm thực, bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách về đêm.
TP.HCM sẽ có trung tâm ẩm thực, bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách về đêm.
“Một trong những trách nhiệm của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam là tư vấn hỗ trợ giúp cho TP.HCM quy hoạch xây dựng, lại những sản phẩm văn hóa ẩm thực trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đã làm việc sơ bộ với Sở Du lịch TP.HCM và đề nghị lấy khu vực Phan Xích Long, Tạ Uyên (Chợ Lớn) hoặc một khu nào đó thích hợp trở thành khu phố ẩm thực chính” - đây là thông tin ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cho biết tại buổi công bố chính thức đi vào hoạt động của hiệp hội này.
Theo ông Kỳ, với sự hình thành khu phố ẩm thực như vậy, TP.HCM có được trung tâm ẩm thực bảo đảm an toàn thực phẩm, một sản phẩm du lịch để các công ty du lịch đưa khách đến. Đồng thời, tạo điểm nhấn thu hút khách về đêm của thành phố trong thúc đẩy phát triển du lịch. Qua đó tạo ra thế mạnh thu hút cạnh tranh du lịch TP.HCM.
Vì sao chọn khu Phan Xích Long hay Tạ Uyên làm khu phố ẩm thực?
Theo ông Kỳ, vấn đề quan trọng là khu Phan Xích Long có sẵn không gian lớn rộng có thể phân thành phân khu, quy hoạch điều chỉnh lại. Hiện nay, đang cho phát triển đại trà, dẫn đến sự phát triển tự phát. Nếu quản lý tốt sẽ phát huy thế mạnh của nó. Vì vậy, hiệp hội mong muốn nhanh chóng làm sớm chuyện này.
Ông Kỳ kể, trong cuộc họp vừa qua, lãnh đạo TP.HCM rất hoan nghênh và chỉ đạo Sở Du lịch phải bàn ngay với hiệp hội để có thể đánh giá, xây dựng quy hoạch lại khu đó. Không nhất thiết khu vực đó cứ là nhà hàng Hoa, nhà hàng Nhật, nhà hàng Việt mà hãy để nó phát triển một cách đồng bộ nhưng phải có quy hoạch lại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, môi trường kinh doanh trật tự…
Như vậy, các khu ẩm thực này không nhất thiết chỉ có các món ăn Việt?
Ông Kỳ kể tiếp, hôm trước khi đưa cà phê là món uống đặc trưng của Việt Nam để quảng bá, một lãnh đạo của hiệp hội phản ứng quyết liệt. Vị này bảo rằng cà phê là thức uống của Pháp nếu quảng bá là của Việt Nam là ... tầm bậy (!?). Nói đến thức uống của Việt Nam là nước trà, nước vối, nước chè. Tuy nhiên, với sự giao thoa văn hóa hiện nay, việc người nước ngoài chấp nhận món ăn Việt và coi nó như là món ăn bản xứ của họ là chuyện bình thường. Chẳng hạn, hiện nay món phở, do người Hàn Quốc đứng bếp nấu, họ vẫn coi là món ăn hằng ngày. Phở đã được họ chấp nhận đồng hóa với món ăn địa phương. Việt Nam cũng vậy, theo bước chân người nước ngoài vào vô hình trung những văn hóa du nhập từ nước ngoài vào đã được điều chỉnh thành của Việt Nam, thế mạnh của Việt Nam.
“Bánh mì là món ăn đường phố nổi tiếng của Việt Nam nhưng bánh mì là của người Pháp mang vào. Giao thoa văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm mà được địa phương hóa, trở thành những món ăn địa phương nổi tiếng. Do đó, chúng ta không thể nhìn nhận một chiều được” - ông Kỳ nói.
![]()
An toàn thực phẩm được quan tâm đối với ẩm thực đường phố
|