Không gian ngầm đang... "ngầm"!

Cập nhật 18/11/2010 14:20

Một bản đồ quy hoạch không gian ngầm hợp lý lúc này sẽ là đầu mối giúp Chính quyền TPHCM lần gỡ các vấn đề hóc búa về hạ tầng kỹ thuật mà đô thị này đang gặp phải như kẹt xe, ngập nước…


Bản đồ quy hoạch không gian ngầm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý các vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ảnh: Lê Toàn
Một bản đồ quy hoạch không gian ngầm hợp lý lúc này sẽ là đầu mối giúp Chính quyền TPHCM lần gỡ các vấn đề hóc búa về hạ tầng kỹ thuật mà đô thị này đang gặp phải như kẹt xe, ngập nước…

Tù mù công trình ngầm

Một cán bộ của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố (trước là Ban quản lý dự án Đại lộ đông tây và môi trường nước) kể câu chuyện “cũ mà không cũ”. Rằng, trước khi khởi công dự án Đại lộ đông tây, để việc di dời các công trình ngầm được dễ dàng, đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu đã nghiên cứu, cập nhật hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên dưới đại lộ (sắp mở) rất kỹ. Thế nhưng, trong quá trình thi công, họ gặp rất nhiều công trình ngầm “không thể ngờ”.

Thông thường, khi bất ngờ gặp đường dây điện, điện thoại, ống cấp nước, cống thoát nước… nhà thầu phải ngưng thi công và đi tìm chủ nhân của chúng để phối hợp di dời. Nhưng việc xác định chủ của những công trình ngầm này không dễ. Theo cán bộ nói trên, không phải ông chủ nào cũng biết rõ hệ thống các công trình ngầm mình sở hữu. Có những công trình, Ban quản lý dự án Đại lộ đông tây và môi trường nước thông báo trên báo đài đến 3 tháng vẫn không có chủ đến nhận… Mãi đến khi hệ thống ngầm bị cắt, chủ của nó mới phát hiện ra đó là tài sản của mình.

Chuyện tương tự như vậy đã và đang diễn ra ở nhiều dự án, công trình khác ở địa bàn TPHCM. Chẳng hạn, dự án Cải thiện môi trường nước dự kiến hoàn thành từ năm 2008 nhưng đã phải kéo dài thời hạn đến 2013. Theo chính quyền thành phố, một trong những nguyên nhân sự chậm trễ này là do những khó khăn trong việc di dời các công trình ngầm. Ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, mạng lưới công trình ngầm đô thị TPHCM đã không được cập nhật đầy đủ vì thất lạc qua thời gian (từ thời Pháp thuộc, đến thời chính quyền Sài Gòn cũ, rồi từ năm 1975 đến nay).

Tuy nhiên, theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, công tác quản lý các công trình ngầm đang có bất cập. Hiện nay, xây dựng các công trình ngầm phải có ý kiến của rất nhiều ban ngành nhưng hiện trạng mạng lưới công trình ngầm đô thị như thế nào thì không có một cơ quan nào nắm được một cách toàn diện.

Chính vì không có một bản đồ hiện trạng công trình ngầm đô thị nên nhiều dự án khi thi công gây đứt cáp điện, bể ống nước… thất thoát tiền của, lãng phí thời gian. Có thể thấy việc kéo dài thời gian và điều chỉnh tăng vốn thêm 3.600 tỉ đồng cho dự án Đại lộ đông tây và cải thiện môi trường nước TPHCM có “đóng góp” của sự bất cập trong quản lý công trình ngầm.

Quy hoạch ngay không gian ngầm


Ông Phan Văn Trường, Giảng viên bộ môn Quy hoạch vùng và kinh tế đô thị, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng, việc lập bản đồ hiện trạng mạng lưới công trình ngầm đô thị TPHCM là yêu cầu cấp bách và cần thiết. Theo ông, nhiều đô thị lớn, hiện đại trên thế giới đều có bản đồ hệ thống công trình ngầm. Nếu chưa có bản đồ công trình ngầm đô thị thì việc xây cất rất khó kết nối với hệ thống ngầm sẵn có, nhất là nhà cao tầng có móng sâu. “Nắm được hiện trạng không gian ngầm thì việc quản lý đô thị mới tốt được”, ông Trường nói.

Thực tế, đối với đô thị TPHCM, số lượng công trình ngầm chưa nhiều dù việc quản lý đang rất rối. Vì vậy, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc xác định các công trình ngầm và lập bản đồ hiện trạng là cần thiết, giúp việc thi công các công trình ngầm khác thuận lợi và nhanh. Nhưng để có một hệ thống công trình ngầm tốt, giúp cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đang quá tải hiện nay, thì cần phải lập cho được một bản đồ quy hoạch không gian ngầm. “Một bản đồ quy hoạch không gian ngầm hợp lý lúc này, dù có muộn, nhưng sẽ là đầu mối giúp chính quyền TPHCM lần gỡ các vấn đề hắc búa về hạ tầng kỹ thuật mà đô thị này đang gặp phải”, ông nói.

Theo ông Phan Phùng Sanh, Hiệp hội Xây dựng TPHCM, quy hoạch phải đáp ứng được yêu cầu hệ thống các tuyến kỹ thuật ngầm dùng được cho nhiều ngành (hiện nay mỗi ngành mỗi tuyến nên thường xuyên xảy ra hiện tượng ngành này lập thì ngành kia đào). Đối với các công trình khác như đường ngầm, tuyến metro, bãi đậu xe, các tầng hầm cao ốc… ông Võ Kim Cương cho rằng, cần phải được đặt (quy hoạch) sao cho hợp lý - xem xét từng vị trí, từng tuyến cụ thể.

“Hệ thống giao thông ngầm và hệ thống cống thoát nước nếu được quy hoạch tốt sẽ giải quyết được bài toán kẹt xe và ngập lụt hiện nay. Với một đô thị mà cũ-mới đang xen như TPHCM thì đây là một việc rất khó - nhưng không phải không làm được”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói.

KTS Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, nếu quy hoạch và xây dựng được hệ thống giao thông ngầm (metro, đường ngầm, bãi đậu xe ngầm); các tuyến kỹ thuật ngầm (tuynel) cấp nước, cấp năng lượng… cùng mạng lưới cống thoát nước ngầm phù hợp thì căn bệnh đô thị của TPHCM hiện nay về cơ bản sẽ được giải quyết. Tất nhiên, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, cũng cần phải chú ý đến sự kết nối giữa các công trình ngầm, vì nói đến không gian ngầm nghĩa là nói đến sự kết nối.

Có thể nói, quy hoạch không gian ngầm có vai trò quan trọng trong phát triển đô thị nhưng ý nghĩa của nó thường chỉ được nhận biết khi đô thị phát triển thành các đô thị lớn (dù nhiệm vụ là phải đề ra ở giai đoạn trước đó). Việc quy hoạch cũng có ý nghĩa quan trọng về sử dụng nguồn vốn hiệu quả trong đầu tư. Công trình ngầm chiếm tỷ trọng kinh phí rất lớn trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và lượng kinh phí này càng gia tăng khi quy hoạch chậm được triển khai. Vì thế, cần thực hiện quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị lớn ngay, cho dù đã quá muộn.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG