Nhận định về việc sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, việc sửa đổi luật sẽ hạn chế tình trạng chỉ định thầu tràn lan, đưa ra các quy định chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng các nhà thầu có năng lực thấp, trình độ công nghệ lạc hậu trúng thầu, gây ra tình trạng chậm tiến độ của các dự án, công trình như đã từng xảy ra trong thời gian qua. Đồng thời, luật cũng đưa ra các quy định nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước trúng thầu, tạo công ăn việc làm và tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Trong đấu thầu, cần tạo các yếu tố cạnh tranh lành mạnh để có thể lựa chọn các nhà thầu đầy đủ năng lực. Nguồn: Internet
|
* Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 này đưa ra nhiều quy định tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm: Đúng vậy. Tôi cho rằng, việc đưa ra các quy định ưu đãi cho nhà thầu, lao động và hàng hóa trong nước như yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam, các quy định chỉ sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu, quy định ưu đãi về danh mục hàng hóa trong nước khi tham gia các gói thầu quốc tế và gói thầu trong nước… là rất tốt.
Tuy nhiên, đi kèm với các ưu tiên này, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần quy định các điều kiện nâng cao về năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ, trình độ về quản lý của các nhà thầu trong nước. Nếu không, những ưu đãi nhà thầu nội sẽ không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, tạo ra thực trạng trì trệ, chậm phát triển của các nhà thầu, doanh nghiệp trong nước.
* Theo ông, những sửa đổi trong dự án Luật Đấu thầu lần này có hạn chế được tình trạng chỉ định thầu tràn lan trong thời gian vừa qua?
Việc chỉ định thầu chỉ được thực hiện trong một số lĩnh vực đặc thù, với phạm vi hãn hữu. Vì nguyên tắc cơ bản trong đấu thầu là phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, tạo các yếu tố để cạnh tranh lành mạnh để có thể lựa chọn các nhà thầu đầy đủ năng lực, trí tuệ thực hiện các gói thầu hiệu quả. Việc chỉ định thầu chỉ thực hiện trong những trường hợp đặc biệt, đó là các gói thầu chứa đựng yếu tố về chính trị, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia; các gói thầu cấp bách chứa đựng yếu tố thời gian, địa lý mà nếu triển khai đấu thầu sẽ chậm trễ, gây hậu quả không tốt. Nếu sử dụng tràn lan chỉ định thầu sẽ rất khó trong công tác quản lý. Đồng thời, khó khăn trong việc chống thất thoát, lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các công trình.
Các quy định trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này tôi cho là đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định chỉ định thầu. Điều này có thể hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan.
Rất nhiều dự án treo, hoặc dự án chậm triển khai trong nhiều năm được Nhà nước chỉ định thầu cho một doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là Nhà nước chỉ quyết định chỉ định thầu trên "mặt bằng sạch", nhưng nhiều dự án trong quá trình triển khai thực hiện lại phát sinh tranh chấp, sau đó lại chuyển giao cho một nhà thầu mới. Theo ông, việc chọn nhà thầu theo kiểu “mệnh lệnh hành chính” này có nên hay không?
Tôi cho rằng, mọi biện luận lý do để thực hiện đấu thầu trái với nguyên tắc, trái với quy định của Luật Đấu thầu đều không thể chấp nhận được. Việc chậm trễ trong triển khai các dự án, công trình có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, chậm trễ do giải phóng mặt bằng, do năng lực công nghệ, năng lực thi công của nhà thầu hay do khả năng thu xếp tài chính của nhà thầu… Vì nhiều lý do đó, chúng ta không tập trung khắc phục các nguyên nhân mà lại thực hiện chỉ định thầu là không nên. Dùng hình thức chỉ định thầu để khỏa lấp tất cả những yếu kém, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án sẽ tạo ra sự bất lợi cho việc phát triển bền vững của nền kinh tế và quản lý tài chính cũng như phát sinh các tiêu cực do hình thực chỉ định thầu gây ra.
* Luật Đấu thầu hiện hành quy định chọn nhà thầu theo phương pháp giá thấp nhất mà thiếu các điều kiện yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ đi kèm, dẫn tới nhiều gói thầu chậm tiến độ và lạc hậu về công nghệ, thưa ông?
Đúng là có tình trạng này. Tôi thấy Luật Đấu thầu sửa đổi lần này sẽ tập trung khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách nhà nước thời gian qua. Trong đó, bất cập lựa chọn nhà thầu chủ yếu căn cứ vào giá bỏ thầu mà chưa quan tâm đầy đủ đến các yếu tố khác như yếu tố công nghệ, kỹ thuật, yếu tố về quản lý, yếu tố về lao động… cũng đã được xem xét, sửa đổi.
Theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bên cạnh quy định lựa chọn nhà thầu theo phương pháp giá thấp nhất, còn đưa ra một loạt các quy định yêu cầu về các yếu tố công nghệ, kỹ thuật, yếu tố lao động, yếu tố quản lý, yếu tố về năng lực tài chính để tránh sự rủi ro, chậm trễ cũng như bảo đảm chất lượng và tính bền vững của các dự án, công trình.
* Xin cám ơn ông!