Hà Nội sẽ điều chỉnh giá đền bù đất

Cập nhật 12/09/2007 09:00

Trả lời Đoàn giám sát của Thường vụ QH, đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định: “Thành phố sẽ điều chỉnh chính sách giá...

Trả lời Đoàn giám sát của Thường vụ QH, đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định: "Thành phố sẽ điều chỉnh chính sách giá đền bù đất giải phóng mặt bằng, nhưng theo một lộ trình. Nếu điều chỉnh không hợp lý, dễ dẫn đến bất ổn trong xã hội".

Đây là câu trả lời cho các câu hỏi của Đoàn giám sát của UB Thường vụ QH trong buổi làm việc chiều 11/9 với HN về việc chấp hành chính sách pháp luật khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên chủ trì buổi làm việc.

Chênh lệch giá: Chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi

Theo các thành viên trong Đoàn giám sát, buổi sáng cùng ngày, khi làm việc tại quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, Đoàn đã nghe cử tri phản ánh, giá bồi thường đất rất chênh lệch so với giá thị trường và đặc biệt là so với giá bán căn hộ mà chủ đầu tư các khu đô thị đưa ra sau đó.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Lê Quốc Dung hỏi: HN có đánh giá liệu có tổn thất về đất đai đối với lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp và cá nhân có đất bị thu hồi không? Nhà nước có thu được khoản nào cho ngân sách từ những lợi nhuận vô cùng lớn của chủ đầu tư không? Phải quản lý thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân?

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH phản ánh lại bức xúc của cử tri quận Tây Hồ: Giá đền bù thường chỉ bằng 1/3 hoặc 1/5 so với giá thị trường. Ở dự án kè Hồ Tây, Nhà nước đền bù cho dân 14 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường là 100 triệu. Bà Nga hỏi: HN có kiến nghị gì với Chính phủ về khung giá không?

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách cũng cho rằng, bắt đầu có xung đột về lợi ích trong lĩnh vực đền bù đất đai, GPMB. "Người dân kêu ca giá đền bù thấp, trong khi nhà đầu tư luôn muốn thu hồi nhanh. Tuy nhiên, ở khu đô thị Nam Thăng Long chẳng hạn, lợi nhuận trên số vốn mà nhà đầu tư bỏ ra lên đến 25%, một con số rất lớn".

Phó Chủ tịch UBND TP HN Vũ Hồng Khanh nêu quan điểm cá nhân: "Đất đai là hàng hóa, người dân có quyền trao đổi, tất nhiên theo giá thị trường, nhưng trong đền bù, chúng ta lại băn khoăn coi đây là sở hữu nhà nước. Theo tôi, cũng nên mạnh dạn xác định đất đai là hàng hóa, cả trong đền bù, như thế thì công bằng hơn".

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch QH nói, nên cùng suy nghĩ quan điểm, cách thức và thẩm quyền quyết định giá đất như thế nào là đúng. Theo ông, cần xác định rõ đâu là giá ảo: "Giá cả luôn luôn chạy trước dự án. Chỉ nghe tin có dự án ở những khu đất vốn không ai muốn sử dụng, giá đã tăng gấp nhiều lần. Như vậy, nếu chỉ chạy theo giá ảo thì rất nguy hiểm".

    

Theo VietNamNet