Gỡ vướng cho nhà trái phép

Cập nhật 20/07/2010 07:10

Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhà không phép, sai phép có thể được cấp chủ quyền, TPHCM cũng đẩy nhanh việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo giá ưu đãi

Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhà không phép, sai phép có thể được cấp chủ quyền, TPHCM cũng đẩy nhanh việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo giá ưu đãi

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) và Sở Xây dựng TPHCM vừa đưa ra những giải pháp và cơ chế phối hợp để cùng giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực nhà đất. Trong đó, tập trung xử lý cấp giấy chủ quyền đối với những trường hợp nhà xây dựng không phép, sai phép, đồng thời đẩy mạnh việc bán nhà sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở nhằm hoàn thành đúng hạn mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là ngày 31-12-2010.


TPHCM đang tập trung giải quyết thực trạng nhà tồn tại nhưng xây dựng không phép hoặc sai phép theo hướng có lợi cho người dân

Điều kiện để được cấp chủ quyền


Đây là lần thứ 3, các cơ quan TPHCM đưa ra những phương án xử lý nhằm giải quyết một thực trạng tồn tại trong nhiều năm là việc xây dựng trái phép, sai phép trên địa bàn TP. Nếu như trước đây, căn cứ Quyết định 207 của TPHCM (ban hành ngày 1-12-2005) về xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1-7-2004, đang tồn tại trên địa bàn TP, những trường hợp vi phạm xây dựng, muốn được cấp giấy chủ quyền phải qua cơ quan chức năng xử lý và ban hành quyết định xử lý vi phạm xây dựng, sau đó mới đủ điều kiện để được cấp giấy chủ quyền. Nhưng hiện nay, đối với nhà ở riêng lẻ, Sở Xây dựng đã có hướng xử lý vi phạm xây dựng đơn giản và phù hợp hơn với thực tế nhằm tạo điều kiện cho người dân được cấp giấy chủ quyền nếu đủ điều kiện.

Căn cứ theo hướng dẫn trên, chỉ mới một phần trong số 11.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 là được xóa “án”, phần còn lại là những căn nhà xây dựng không phép từ ngày 1-7-2006 trở về sau, khoảng 10.000 trường hợp vẫn phải chờ do chưa có hướng xử lý cụ thể phải đập bỏ hay được tồn tại để được phép hợp thức hóa.

Đơn vị bán nhà phải có trách nhiệm


Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện TP đang quản lý 18.350 căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước, bao gồm gần 9.500 căn nhà phố, hơn 7.730 căn hộ chung cư và 1.115 căn biệt thự. Trong số đó, có gần 3.200 căn đủ điều kiện bán cho người thuê theo Nghị định 61/CP của Chính phủ. Những trường hợp đủ điều kiện và người thuê nhà có đơn xin mua nhà, Sở Xây dựng đã đề nghị các quận huyện, đơn vị quản lý nhà thông báo cho người mua nộp hồ sơ để được xét duyệt mua nhà. Các trường hợp còn lại sở cũng đang tìm cách tháo gỡ để cuối năm nay, bán xong nhà đủ điều kiện...

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chủ quyền, hai sở TN-MT và Xây dựng vừa có hướng dẫn cụ thể như sau: Đối với các đơn vị bán nhà theo Nghị định 61/CP (Công ty Dịch vụ công ích, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận, huyện, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP, Công ty Tây Nam, Quân khu 7, Công ty 59 - Bộ Quốc phòng), sau khi người mua nhà đã hoàn tất thủ tục mua nhà (ký hợp đồng mua bán, đóng tiền vào Kho bạc Nhà nước, đóng thuế trước bạ và thanh lý hợp đồng mua bán nhà...), đơn vị này có trách nhiệm đề nghị và thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chủ quyền cho người dân.

Đơn vị bán nhà phải cung cấp các thông tin pháp lý của người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; vẽ sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất, nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền cho cơ quan chức năng nơi căn nhà tọa lạc... Đối với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng TN - MT quận huyện có trách nhiệm nhận hồ sơ bán nhà từ các đơn vị bán nhà để có căn cứ trình UBND quận huyện cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà. Thời gian thực hiện kể từ khi nhận đủ hồ sơ là 10 ngày làm việc.

Căn cứ xử lý nhà xây trái phép, sai phép

Có ba mốc thời gian và hành vi vi phạm để làm căn cứ xử lý:

Thứ nhất, các trường hợp xây dựng không phép và sai phép trước ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực) được tồn tại, mà nay phù hợp quy hoạch, kiến trúc thì được xem xét cấp giấy chủ quyền cho toàn bộ (hoặc một phần) diện tích phù hợp quy hoạch và kiến trúc đó. Việc xác định diện tích phù hợp quy hoạch, phù hợp kiến trúc trên bản vẽ sơ đồ do Phòng Quản lý đô thị (Phòng Công Thương) quận, huyện thực hiện.

Thứ hai, đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006, sẽ được cấp giấy chủ quyền nếu thỏa các điều kiện sau: nhà xây dựng trước ngày 1-7-2006, không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch nếu xây dựng sau khi có quy hoạch; trường hợp nhà ở xây dựng từ ngày 1-7-2006 thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp xin phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2006 mới được xem xét cấp giấy chủ quyền cho toàn bộ hoặc một phần diện tích phù hợp quy hoạch và kiến trúc.

Thứ ba, trường hợp xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng từ ngày 1-7-2006 đến trước ngày 1-5-2009 (thời điểm Nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng có hiệu lực) mà nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định, không ảnh hưởng công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình với điều kiện khi thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ không được bồi thường.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động