Giao dịch nhà đất sau 1-8: Chỉ giấy hồng mới là không thể đăng bộ

Cập nhật 13/08/2009 08:25

Các quận, huyện tại TP.HCM vẫn cho đăng bộ bình thường đối với giấy hồng cũ, giấy đỏ.

Các quận, huyện tại TP.HCM vẫn cho đăng bộ bình thường đối với giấy hồng cũ, giấy đỏ.

Ngày 11-8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã có công văn kiến nghị Bộ TN&MT cho phép tiếp tục đăng bộ trên các loại giấy hồng, giấy đỏ được cấp trước nay để không gây ách tắc giao dịch nhà đất. Chiếu theo văn bản này có thể hiểu rằng nếu Bộ không cho phép thì không có loại giấy chứng nhận nào được đăng bộ khi có sự thay đổi chủ sở hữu?

Vẫn giải quyết bình thường

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều quận, huyện như quận 3, 7, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú... vẫn giải quyết đăng bộ cho người nhận chuyển nhượng nếu đó là các loại giấy đỏ và giấy hồng theo Nghị định 60 (giấy hồng cũ).

“Chỉ có giấy hồng theo Nghị định 90 (gọi tắt là giấy hồng mới) mới bị gác lại” - ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết. “Quận không cấp giấy nữa để chờ giấy mới, còn đăng bộ thì giải quyết bình thường sao ngưng được?” - Phó Chủ tịch UBND quận 7 ông Nguyễn Văn Thủ nói.

Ngày 12-8, Sở TN&MT Hà Nội cũng cho biết các cơ quan chức năng vẫn làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất cho người dân. Người nhận chuyển nhượng sẽ được ghi tên trên giấy cũ và nhận giấy này. Chỉ có trường hợp tách thửa đất ra để bán thì mới phải đợi giấy mới.

Chỉ vướng giấy hồng mới

Ông Đặng Minh Nguyên, Phó phòng TN&MT quận Bình Thạnh, giải thích: “Sở dĩ giấy hồng mới bị ách là do loại giấy này vốn không cho đăng bộ trên trang bốn, mỗi lần thay đổi chủ sở hữu là cấp luôn một giấy khác cho người nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, hiện nay mẫu giấy chứng nhận mới chưa có mà giấy hồng thì đã ngưng cấp nên trường hợp này bị vướng lại chưa biết tính sao”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú, lý giải thêm: “Các loại giấy hồng cũ, giấy đỏ trước nay vẫn cho đăng bộ trên giấy. Luật sửa đổi bổ sung quy định về giấy mới vẫn thừa nhận giá trị pháp lý của các loại giấy này, giao dịch tại phòng công chứng hợp pháp nên quận vẫn giải quyết. Vả lại, trước kia trong giai đoạn cấp giấy hồng mới, việc đăng bộ trên giấy hồng cũ và giấy đỏ vẫn được áp dụng bình thường”.

Chuyển nhượng thì phải đổi giấy?

Tuy nhiên, ông Mai Văn Phấn, Phó Trưởng phòng Đăng ký đất đai - Cục Đăng ký và thống kê đất đai (Bộ TN&MT), lại cho rằng việc nhiều địa phương vẫn cho đăng bộ trên giấy cũ là ngược hẳn với quy định mới về cấp một giấy. Ông Phấn giải thích theo Luật sửa đổi bổ sung về cấp một giấy cho nhà đất từ 1-8, khi chuyển nhượng nhà đất thì người nhận chuyển nhượng được cấp giấy mới. “Do hiện nay chưa có mẫu giấy mới nên người dân vẫn mua bán bình thường, lập hợp đồng qua công chứng, nộp hồ sơ chuyển nhượng nhà đất tại các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Khi có mẫu giấy mới thì người nhận chuyển nhượng sẽ được cấp giấy mới. Như vậy, các giao dịch của người dân trong thời gian chờ mẫu giấy mới không bị dừng lại” - ông Phấn nói.

Cũng theo ông Phấn, khi thay đổi một chính sách, thay đổi một loạt các hệ thống biểu mẫu, giấy tờ thì người dân cũng phải thông cảm với nhà nước. “Thời gian chờ sẽ không lâu. Dự thảo nghị định hướng dẫn đã hoàn tất, mẫu giấy chứng nhận mới đã hoàn chỉnh, thông tư hướng dẫn đang lấy ý kiến các địa phương. Dự tính không đến hai tháng nữa mẫu giấy mới sẽ được ban hành” - ông Phấn cho biết.
 

Vẫn nên cho dân nợ tiền khi nhận giấy

Dự thảo nghị định hướng dẫn cấp một giấy cho nhà đất quy định giấy chứng nhận được trao cho người đề nghị cấp sau khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, tại buổi góp ý dự thảo nghị định hôm qua 12-8, Sở TN&MT TP Hà Nội kiến nghị: Nếu người dân có đề nghị được ghi nợ thì được ghi các khoản nợ kể cả lệ phí trước bạ vào giấy chứng nhận. Khi thực hiện các quyền thì người dân phải trả các khoản nợ theo giá tại thời điểm chuyển quyền.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Đăng ký thống kê đất đai - Sở TN&MT Hà Nội, số người không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính là rất lớn. Hà Nội có thời điểm đã tồn đọng khoảng 65.000 giấy đỏ, giấy hồng không có người đến nhận. “Nếu cơ quan nhà nước cứ “ôm” giấy chứng nhận nhà đất, chẳng may hỏa hoạn, lũ lụt, mối xông thì biết làm sao? Tốt nhất là nên giao giấy cho người dân giữ” - ông Quang nói.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP