Giao dịch nhà, đất bị đình trệ

Cập nhật 16/08/2009 09:50

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực quy định phải cấp chung một giấy cho nhà, đất (có hiệu lực từ ngày 1-8-2009)...

Hiện một số thủ tục công chứng liên quan đến giao dịch nhà, đất phải tạm dừng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Ảnh: T.Thạnh.
 

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực quy định phải cấp chung một giấy cho nhà, đất (có hiệu lực từ ngày 1-8-2009), thế nhưng hiện nay khá nhiều giao dịch liên quan đến nhà, đất phải buộc tạm dừng để chờ hướng dẫn về cấp giấy chủ quyền mới.

Theo thông tin từ các phòng công chứng và các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TPHCM, kể từ ngày 1-8 đến nay, giao dịch liên quan đến nhà, đất có dấu hiệu bị đình trệ bởi nguyên nhân là do chờ hướng dẫn của việc cấp giấy chủ quyền (GCQ) mới. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM, khẳng định: “Nếu không có phương án xử lý hợp lý và nhanh chóng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân”.

“Treo” quyền lợi người dân

Những tưởng chỉ có những trường hợp xin cấp GCQ lần đầu và trường hợp đã có giấy hồng mới (cấp theo Nghị định 90 về triển khai Luật Nhà ở) mới bị vướng bởi việc triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực quy định phải cấp chung một giấy cho nhà, đất (có hiệu lực từ ngày 1-8-2009), thế nhưng hiện nay khá nhiều giao dịch liên quan đến nhà, đất phải buộc tạm dừng để chờ hướng dẫn về cấp GCQ mới.

Đơn cử như trường hợp anh Dương (ngụ huyện Củ Chi), một chủ dự án xây dựng trường trung học nghề tại khu đô thị Tây Bắc, hiện hồ sơ thủ tục đăng bộ sang tên bị ách lại. Theo cán bộ Sở TN-MT, loại hồ sơ dạng này đang “treo” do còn chờ hướng dẫn mới. Anh Dương than thở: “Hiện chúng tôi còn phải chờ đăng bộ, sau đó xin phép xây dựng... nếu một tháng nữa mà tôi không thể khởi công xây dựng thì chắc không kịp tiếp nhận sinh viên theo kế hoạch, như vậy chúng tôi thiệt thòi quá!”. Sau khi nghe phản ánh, chúng tôi trực tiếp cầm hồ sơ lên gặp ông Đào Anh Kiệt để làm rõ, nhưng ông cũng cho biết là bó tay vì hiện phải chờ hướng dẫn từ Bộ TN-MT.

Còn một lãnh đạo Phòng Công chứng số 2 cho biết hiện đối với các trường hợp nhà, đất được cấp theo giấy hồng mới khi chuyển nhượng, mua bán, tặng cho... xem như không có hy vọng đăng bộ sang tên, bởi theo quy định trong Luật Nhà ở những trường hợp này khi chuyển nhượng buộc phải cấp giấy hồng mới cho người chủ sau, chứ không thể cập nhật tên chủ sở hữu nhà hoặc chủ sử dụng đất lên trang 4.

Còn đối với các loại GCQ đã được cấp theo từng thời kỳ, ông cho biết: Người dân có nhu cầu giao dịch chuyển nhượng, mua bán, thế chấp... hiện các công chứng viên đều khuyên trở về địa phương hỏi thủ tục có đăng bộ sang tên được rồi mới công chứng.

Vị này cũng cho biết hiện một số quận, huyện vẫn “linh động” giải quyết cho dân bằng cách ghi nội dung biến động về nhà, đất hoặc thay đổi chủ sở hữu và chủ sử dụng lên trang 4 của GCQ, thế nhưng nhiều địa phương lại không dám thực hiện.

“Hiến kế” để được giao dịch

Mới đây, Sở TN-MT đã có văn bản gửi Bộ TN-MT và UBND TPHCM đưa ra hai giải pháp xử lý tình huống đối với nhà, đất có GCQ trước ngày 1-8-2009 nhằm thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong giai đoạn chờ mẫu GCQ mới.

Theo đó, đối với việc tiếp nhận và cấp GCQ, Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị các huyện thực hiện đúng văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Đối với GCQ đã cấp trước ngày 1-8-2009 mà người dân có nhu cầu giao dịch thì được xử lý theo hai cách: Thứ nhất, những loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993 (GCQ theo quy định tại Quyết định số 60/CP năm 1994 của Chính phủ) thì vẫn giải quyết biến động trên trang 4 của GCQ và ghi chú nội dung: “khi mẫu GCQ (mới) được ban hành và có sự giao dịch tiếp theo thì sẽ được cấp đổi sang mẫu mới”.

Thứ hai, đối với GCQ quy định tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP năm 2006 của Chính phủ thì được ghi nội dung sau trên trang 4 của giấy: “Thông tin trên GCQ đã được thay đổi theo văn bản số... (hợp đồng số... ngày...), đã được vào sổ bộ số... ngày... ” và cũng có nội dung ghi chú như đối với trường hợp theo Quyết định số 60/CP. Theo ông Đào Anh Kiệt, nếu đề xuất trên được Bộ TN-MT và UBND TP chấp thuận thì sẽ giảm được 70% khối lượng cũng như áp lực hiện nay liên quan đến luật mới.

Theo các chuyên gia địa ốc, đáng lẽ sau khi ban hành luật quy định về việc gộp giấy nhà, đất thì phải có nghị định hướng dẫn đi theo ngay. Còn hiện luật quy định về giấy mới đã có hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn lại không theo kịp nên gây ách tắc trong việc cấp giấy và giao dịch nhà, đất. “Người dân dựng vợ gả chồng, chia tách nhà, đất mua bán, kinh doanh... làm sao có thể đợi được!”- một chuyên gia nhấn mạnh. Do đó, các cơ quan Trung ương cần sớm ban hành những hướng dẫn về cấp GCQ mới cũng như quy định về các thủ tục giao dịch, đăng bộ sang tên... để tránh làm thiệt thòi quyền lợi hợp pháp của dân.

 

Kiến nghị tiếp tục cấp giấy đỏ, giấy hồng

Để tháo gỡ những khó khăn cho người dân trong việc cấp GCQ nhà, đất cũng như các giao dịch dân sự trong giai đoạn hiện nay, UBND TPHCM vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục cấp giấy chứng nhận theo mẫu giấy chứng nhận quy định tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP, Nghị định 95/2005/CP-NĐ (gọi chung là giấy hồng) và Nghị định 181/2004/NĐ-CP (gọi là giấy đỏ). Hướng giải quyết này nhằm bảo đảm tính liên tục, không gây xáo trộn về giao dịch dân sự cho người dân.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động