Giao đất dịch vụ cho dân nếu khó đấu giá

Cập nhật 16/08/2013 10:58

Là nguồn thu quan trọng nhưng đến 31/7, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) của Hà Nội mới được hơn 687 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm. Nhiều dự án nằm ở vị trí đẹp, mặc dù đã đủ điều kiện tổ chức đấu giá, đã tổ chức GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng vẫn… "án binh bất động".

Là nguồn thu quan trọng nhưng đến 31/7, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) của Hà Nội mới được hơn 687 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm. Nhiều dự án nằm ở vị trí đẹp, mặc dù đã đủ điều kiện tổ chức đấu giá, đã tổ chức GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng vẫn… "án binh bất động".

Hủy đấu giá  do thiếu người tham gia

Ông Nguyễn Minh Mười - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thực hiện công tác đấu giá đất, từ đầu năm 2013 đến nay, nguồn kinh phí thu được từ ĐGQSDĐ trên toàn TP hơn 687 tỷ đồng (đạt 34%). Trong đó 3 đơn vị (gồm huyện Đông Anh, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây) tổ chức đấu giá với tổng diện tích khoảng 2ha, thu được 324,74 tỷ đồng. 15 quận, huyện tổ chức đấu giá đất xen kẹt với tổng diện tích khoảng 2,9ha, thu được 362,53 tỷ đồng.

Phiên đấu giá số III, khu Cửa Chợ, thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, kết quả ĐGQSDĐ chưa đáp ứng được kế hoạch do thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng. Một số quận, huyện đã thông báo mời đấu giá nhưng không thực hiện được do không đủ số lượng người tham gia theo quy định (trong đó có 4 phiên tại huyện Mỹ Đức, 1 phiên tại huyện Sóc Sơn, 1 phiên đấu giá nhà chuyên dùng do Sở Xây dựng tổ chức). Bên cạnh đó, tình trạng người trúng đấu giá nợ đọng tiền sử dụng đất còn nhiều khiến không ít dự án phải hủy kết quả trúng đấu giá để tổ chức đấu giá lại, gây khó khăn cho công tác quản lý và giảm thu ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo Sở TN&MT cũng chỉ ra các nguyên nhân chủ quan: Một số địa phương chưa quyết liệt trong việc tổ chức ĐGQSDĐ đối với các địa điểm đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến kết quả công tác đấu giá còn thấp; gây tồn đọng nguồn vốn đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách Nhà nước. Một số đơn vị còn lúng túng trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, dẫn đến mất nhiều thời gian trong công tác chuẩn bị. Việc xây dựng và phê duyệt giá sàn nhiều khu vực chưa phù hợp với giá thực tế thị trường, gây khó khăn cho đơn vị tổ chức đấu giá (không có người tham gia).

Cấp ngay sổ đỏ khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính

Để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, lãnh đạo Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá, sớm tổ chức ĐGQSDĐ theo quy định. Đối với các dự án đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các chủ đầu tư tiếp tục tăng cường quảng cáo cho các đối tượng có nhu cầu biết, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá. Khi có đủ điều kiện tổ chức đấu giá với số lượng các thửa đất phù hợp, cho phép tổ chức phiên đấu giá với hình thức gọn nhẹ, bỏ giá một vòng đấu; tổ chức bàn giao đất, cấp ngay sổ đỏ cho người trúng đấu giá sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Các sở, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục quy hoạch, đầu tư, đất đai cho các quận, huyện, thị xã trong quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng giá khởi điểm phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường tại khu vực, đảm bảo việc tổ chức đấu giá thành công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu, các khu đất đấu giá khó khăn, kém hiệu quả do thị trường trầm lắng, các quận, huyện, thị xã đề xuất báo cáo UBND TP (trong tháng 8/2013) chấp thuận chuyển sang đất dịch vụ để giao cho các hộ dân. Những nơi đấu giá không thành công, không phù hợp quy hoạch thì chuyển sang vị trí mới ngay. Về việc xác định giá sàn, TP giao Sở Tài chính trên nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất khi thực hiện quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 18/7 của UBND TP, ra văn bản hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, tổ chức đấu giá đất thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Về việc thực hiện quy chế đấu giá, TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện các trình tự, thủ tục, quy chế đấu giá theo đúng các quy định hiện hành. Các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở, chủ động hướng dẫn, xử lý các vi phạm quy chế theo thẩm quyền. Với những khó khăn có tính đặc thù, các quận, huyện, thị xã báo cáo TP để giải quyết trong thẩm quyền hoặc đề nghị phối hợp với cấp có thẩm quyền giải quyết.

Mặc dù công tác ĐGQSDĐ gặp khó khăn, nhưng một số đơn vị như: Quận Long Biên, Tây Hồ, huyện Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ... đã nỗ lực, quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt nên kết quả đạt khá cao. Đây là bài học kinh nghiệm rút ra để các đơn vị tham khảo, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Kinh tế và đô thị