Giảm áp lực dân số khu trung tâm

Cập nhật 09/10/2010 08:50

Từng bước xóa các khu dân cư trung tâm, giãn dân ra vùng ven nhằm giảm áp lực dân số đang tăng nhanh và dồn nén tại các quận nội thành. Đó là những nỗ lực của chương trình phát triển nhà ở tới năm 2015, và là một trong 6 mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX của TP đã đề ra.

Từng bước xóa các khu dân cư trung tâm, giãn dân ra vùng ven nhằm giảm áp lực dân số đang tăng nhanh và dồn nén tại các quận nội thành. Đó là những nỗ lực của chương trình phát triển nhà ở tới năm 2015, và là một trong 6 mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX của TP đã đề ra.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc quy hoạch đô thị và phát triển nhà ở trên địa bàn TP. HCM tại thời điểm này dù hơi muộn nhưng là rất cần thiết để TP không tránh tình trạng xé vụn đô thị trong nhiều năm qua trên địa bàn của một số quận huyện. Trong chương trình phát triển nhà ở của TP, từ năm 2010 các khu phố cũ trung tâm sẽ được chỉnh trang và xây mới, chuyển đổi mô hình từ nhà thấp tầng sang nhà cao tầng hiện đại; giảm dân số, giảm mật độ xây dựng, tăng công viên cây xanh...

Cụ thể các khu phố 4, 5, 6 và 28B Mã Lộ - phường Tân Định, khu Dạ Lữ Viện - phường Cầu Kho, khu Mả Lạng - phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1); khu Nguyễn Thiện Thuật, cư xá Lý Thái Tổ (quận 3)… sẽ sớm được quy hoạch thành các khu chung cư cao tầng hiện đại có chức năng hỗn hợp.

Đây là những khu dân cư mà người sân sống trong điều kiện rất tồi tệ, nhà cửa xuống cấp trầm trọng cần phải di dời và xây mới. Đối với các khu vực khác gồm quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân sẽ tập trung phát triển các khu đô thị mới có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển các dự án quy mô nhỏ và không phát triển các dự án phân lô hộ lẻ.

Hướng nam với trọng tâm là khu Nam Sài Gòn có diện tích 3.000ha (gồm các huyện Bình Tân, Bình Chánh, quận 7, 8) sẽ phát triển các loại hình nhà ở cao cấp, hiện đại hoàn chỉnh. Hướng Tây bắc, trọng tâm là khu đô thị Tây bắc - Củ Chi với quy mô 6.000ha và một số khu dân cư thuộc quận 12, Bình Tân, Bình Chánh gắn với các khu công nghiệp tập trung như Sing - Việt (Bình Chánh khoảng 300ha). Khu vực ngoại thành gồm năm huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ sẽ tập trung phát triển các thị trấn, khu dân cư nông thôn và các đô thị vệ tinh, hạn chế phát triển tràn lan. Đặc biệt, TP sẽ giữ lại quỹ đất dự trữ, công viên rừng cây xanh lớn của thành phố ở Cần Giờ; đồng thời chỉ xây dựng nhà ở thấp tầng và khu nghỉ dưỡng.


Khu trung tâm, các tòa nhà cao tầng phục vụ cho dịch vụ, thương mại sẽ mọc lên nhiều hơn, thay thế cho các khu dân cư nhằm giảm mật độ dân số.

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải nhìn nhận, đô thị TP hiện đang quá tải, người Pháp quy hoạch Sài Gòn chỉ cho 400 ngàn dân, nhưng nay đã tăng hơn 10 lần. Quy hoạch của thành phố không theo kịp sự bùng phát các khu đô thị đã dẫn đến tình trạng những khu đô thị chắp vá, manh mún thiếu tính hệ thống đi kèm như điện, nước, giao thông, các cơ sở trường học, y tế, chợ. Đặc biệt là không quy hoạch cốt nền hoàn chỉnh dẫn đến thảm họa ngập lụt diện rộng trong nhiều năm qua chưa giải quyết nổi. Theo thống kê, năm 2010 dân số TP có khoảng 7,2 triệu người thường trú, trong đó dân số sống trong các khu đô thị khoảng 6,32 triệu người. Và đến năm 2015 dân số thành phố khoảng 8,2 triệu người thường trú; trong đó dân số sống trong các khu đô thị khoảng 7,5 triệu người.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM, bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để TP chỉnh trang và phát triển đô thị. So với các quy hoạch trước, quy hoạch lần này xác định rất rõ mô hình phát triển của TP: tập trung-đa cực. Trong đó khu vực trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng Đông, Nam, Tây Bắc, Tây Nam.

Tuy nhiên, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, áp lực quy hoạch và phát triển các khu trung tâm thành phố cũ sẽ đòi hỏi tầm nhìn và khả năng chiến lược của các chuyên gia về quy hoạch. Riêng quy hoạch thiết kế đô thị phải tính tới địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật của khu vực quy hoạch. Còn quy hoạch vùng là để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các đô thị trong vùng, để mỗi địa phương có thể phát huy thế mạnh của mình, không xây dựng chồng chéo. TP. HCM cần quan tâm đến vấn đề cốt xây dựng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới