Giải phóng mặt bằng khu đô thị mới Tây Hồ Tây vẫn bế tắc

Cập nhật 29/05/2010 13:15

Dù đã triển khai được hơn 4 năm, thế nhưng tới nay, hình hài của một "siêu đô thị" giữa lòng Hà Nội, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 314 triệu USD vẫn chỉ là những phác thảo trên giấy.

Dù đã triển khai được hơn 4 năm, thế nhưng tới nay, hình hài của một "siêu đô thị" giữa lòng Hà Nội, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 314 triệu USD vẫn chỉ là những phác thảo trên giấy. Suốt một thời gian dài, khâu giải phóng mặt bằng ở Khu đô thị mới Tây Hồ Tây gần như rơi vào bế tắc.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phải có văn bản chỉ đạo xúc tiến giải phóng mặt bằng để hoàn thành trong tháng 10/2010. Tuy nhiên, ông Trần Huy Dũng - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hà Nội - đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành giải phóng mặt bằng dự án thừa nhận: rất khó có thể hoàn thành "mặt bằng sạch" vào thời điểm tháng 10/2010 khi mà còn quá nhiều khúc mắc chưa được giải quyết…

Gần 8.000 tỉ đồng chi cho giải phóng mặt bằng

Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây có diện tích 207,66ha, với quy mô dân số 78.000 người, được xây dựng trên địa giới hành chính của xã Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế (Từ Liêm), phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH T.H.T cùng tổ hợp 5 nhà thầu là các công ty xây dựng của Hàn Quốc. Mặc dù đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006, với cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2014, song tới nay, việc triển khai dự án vẫn rất chậm chạp. Khúc mắc nằm ở chỗ: không thể giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thu hồi 117ha, với gần 1.500 hộ dân ảnh hưởng. Giai đoạn 2 thu hồi 90ha, với hơn 2.000 hộ dân sử dụng đất nông nghiệp, đất ở thuộc phường Xuân La, Nghĩa Đô. Tổng kinh phí dự kiến cho việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là trên 7.600 tỉ đồng. Toàn bộ kinh phí sẽ do Công ty T.H.T chi trả.

Theo cam kết ban đầu, việc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành vào năm 2009. Tuy nhiên, thực tế, cho tới nay, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hà Nội mới đang tiến hành giải phóng 20ha đầu tiên của giai đoạn 1, thu hồi đất của 105 hộ dân. Hiện tại mới lập phương án đền bù được cho 35 hộ với trị giá 34 tỉ, dự kiến phải tới 15/6/2010 mới hoàn thành phần còn lại.

Đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phải chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án Tây Hồ Tây. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng phải hoàn thành vào tháng 10-2010 để phục vụ cho việc thi công.

Trong số các hạng mục của Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, mới chỉ có Công viên Hòa Bình hoàn thiện xong mặt bằng, đang triển khai thi công.


Trong số các hạng mục của Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, mới chỉ có Công viên Hòa Bình hoàn thiện xong mặt bằng, đang triển khai thi công.

Nhiều hộ dân chưa bàn giao đất


Công tác giải phóng mặt bằng sở dĩ tắc là do thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ dẫn tới sự không đồng thuận giữa các hộ dân bị thu hồi đất và chủ đầu tư. Thời điểm Công ty T.H.T nhận dự án, việc đền bù giải phóng mặt bằng vẫn được thực hiện Quyết định 18 của UBND TP Hà Nội (theo đó những hộ dân bị mất trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 60m2 đất dịch vụ). Tuy nhiên, tới 13/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 69, tiếp đó là Quyết định 108 của UBND TP Hà Nội, bổ sung một số thay đổi về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo đó, các hộ dân bị thu hồi đất thay vì nhận diện tích đất dịch vụ thay thế sẽ được đền bù tối đa 5 lần giá đất nông nghiệp hiện tại. Theo ông Dũng, việc thay đổi đơn giá đền bù đã khiến Công ty T.H.T. phải trả thêm gần 2.000 tỉ đồng cho việc bồi thường. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách đền bù mới này vào thực tế lại vấp phải sự phản đối của đa số các hộ dân. Phần lớn các hộ vẫn muốn nhận 60m2 đất dịch vụ vì cho rằng như thế có lợi hơn...

Các hộ dân chưa bàn giao đất còn bởi lo ngại về vấn đề việc làm sau khi mất đất. Bà Nguyễn Thị Thìn - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Trung (xã Xuân Đỉnh) bày tỏ: "Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương đô thị hóa, nhưng chính quyền phải có phương án giải quyết việc làm phù hợp. Nếu người dân mất ruộng, thất nghiệp, tệ nạn xã hội sẽ gia tăng, chưa kể tới việc không phải hộ gia đình nào cũng sử dụng khoản tiền đền bù đúng mục đích". Hiện nay, theo quy định, những người dân trong độ tuổi lao động, nếu mất đất cho các dự án sẽ được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng/người để học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp.

Ngày 19/5 vừa qua, Công ty T.H.T. đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội về kế hoạch hỗ trợ việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất ở dự án Tây Hồ Tây. Theo đó, công ty sẽ ưu tiên xét tuyển những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc hoặc các dự án nước ngoài do Công ty T.H.T. đang đảm nhận. Với tư cách chủ đầu tư dự án, Công ty T.H.T. cũng cam kết sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để tiến hành chi trả đền bù theo đúng tiến độ.

Người dân có cái lý để chậm trễ giao đất. Chủ đầu tư cũng có lý riêng để giải thích cho việc chậm triển khai thi công. Mong rằng, không lâu nữa, hình hài của một "siêu đô thị" sẽ định hình

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân