Dừng xây trụ sở BQL hồ Gươm chỉ là... tình huống

Cập nhật 31/05/2010 16:15

“Dừng dự án xây dựng trụ sở BQL hồ Gươm là hành động đáng hoan nghênh song chỉ là biện pháp tình huống. Dự án không có thông tin ra ngoài dẫn đến sự nghi ngờ của xã hội, chính cơ quan chủ quản là người phải gánh chịu hậu quả”.

“Dừng dự án xây dựng trụ sở BQL hồ Gươm là hành động đáng hoan nghênh song chỉ là biện pháp tình huống. Dự án không có thông tin ra ngoài dẫn đến sự nghi ngờ của xã hội, chính cơ quan chủ quản là người phải gánh chịu hậu quả”.

Đó là những ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi TP Hà Nội có chỉ đạo dừng dự án xây dựng trụ sở BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm tại khu đất số 2 Lê Thái Tổ.

*Xin ông cho biết cảm nhận của mình trước việc Hà Nội chỉ đạo dừng dự án xây dựng trụ sở BQL hồ Gươm?

Đây là một hành động đáng hoan nghênh nhưng dù sao, dừng cũng là một biện pháp tình huống mang tính thụ động của thành phố trước ý kiến của dư luận xã hội.

Lẽ ra, tại khu vực này, chúng ta phải có quy hoạch công khai từ lâu rồi. Việc có cần thiết phải xây dựng một trụ sở mới cho BQL hồ Gươm không, điều này chỉ thành phố mới biết, chứ tôi không nghĩ mọi người dân có thể phát biểu nên hay không nên.


Dự án xây dựng trụ sở BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm đã phải dừng lại do không nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Chúng ta đều thấy, khu vực hồ Gươm đang ngày càng thiếu các không gian sinh thái, văn hoá, nhất là hiện nay đang có tình trạng xây dựng rất nhiều các ngôi nhà xung quanh hồ. Một nguyên tắc bất thành văn là xây nhà không được cao quá đường viền cây cối đã bị phá từ lâu. Cho nên, càng nhiều không gian cây xanh, càng nhiều hàm lượng văn hoá càng tốt.

Việc TP Hà Nội giải toả, làm vườn hoa khu vực trước cửa Nhà hát lớn có hiệu ứng rất nhanh, được sự đồng thuận, hoan nghênh của toàn xã hội. Chính vì vậy, khi thấy TP giải toả được những ki-ốt tạm bợ tại khu đất số 2 Lê Thái Tổ, mọi người rất quan tâm tới việc TP sẽ sử dụng như thế nào.

Vấn đề chính ở đây, theo tôi, lẽ ra cơ quan chủ quan nên công khai ngay từ đầu, sẽ tìm được giải pháp, tìm được sự đồng thuận rất nhanh của quần chúng nhân dân. Chính vì dự án không có thông tin ra ngoài đã dẫn đến sự nghi ngờ của xã hội. Cơ quan chủ quản sẽ chính là người phải gánh những hậu quả ấy.

*Vậy theo ông, TP Hà Nội nên làm gì tiếp theo?

Hội Kiến trúc sư đã có ý kiến thì quận Hoàn Kiếm nên mời các KTS đến trao đổi xem phương án nào là tối ưu nhất với khu đất này.

*Ý kiến cá nhân của ông về việc này?

Cần ưu tiên không gian sinh thái, không gian văn hoá, song xây dựng như thế nào mới là quan trọng. Việc có xây hay không và xây như thế nào thì lãnh đạo thành phố phải quyết định.

*Ông đánh giá như thế nào về cách mà Hà Nội “đối xử” với hồ Gươm?

TP Hà Nội là một khái niệm mới có “tuổi đời” 120 năm nay. Những gì chúng ta muốn bảo tồn là dấu tích đặc trưng của thời kỳ hình thành Hà Nội này. Rất tiếc là chúng ta chưa thực sự quan tâm, từ chỗ nhà nước quản lý đã chuyển sang sở hữu hoá cho người dân quản lý, tùy ý sử dụng. Trong khi ấy, chúng ta lại chưa có chế tài để quản lý, bảo tồn các dấu tích, không gian ấy. Đây là những kẽ hở trong quản lý xây dựng.

Những chuyện gây phản ứng trong dư luận gần đây như chuyện lát đá xanh ven hồ hay xây trụ sở BQL hồ Gươm… là vấn đề chung của khu vực này. Chúng ta có thể thấy, tình trạng “nâng lên, đặt xuống” là khá nhiều.

Và hình như, hiện nay cứ mạnh ai người ấy làm và có bao nhiêu tiền thì dùng bấy nhiêu, dẫn đến sự lãng phí và làm cho cảnh quan lúc nào cũng lộn xộn. Cho nên, việc quan trọng là phải tiến hành đồng bộ, làm một lần cho xong.

Một vấn đề đáng bàn nữa là TP chưa có những chủ trương rõ ràng. Khu vực hồ Hoàn Kiếm được đề cao song lại chưa có biện pháp nào tích cực để giảm lưu lượng phương tiện qua lại đây. Ngoài ra ý thức người dân cũng chưa thực sự tốt.

Song tôi có cảm nhận chúng ta chưa xã hội hoá được những công việc mà lẽ ra người dân có thể tham gia góp sức mình. Khi người dân tham gia, vấn đề sẽ khác hoàn toàn so với việc chỉ có nhà nước tham gia, không chỉ tạo ra nguồn lực mà còn giúp nâng cao ý thức người dân.

Xin cám ơn ông!

Ngày 24/3, công trình trụ sở BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm được khởi công xây dựng tại khu đất số 2 Lê Thái Tổ song đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận Thủ đô.

Ngày 10/5, Nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi nhận được một số đơn thư phản ánh đã viết một bức thư gửi bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt câu hỏi “có nhất thiết phải có một trụ sở đặt tại vị trí này hay không?”. Đồng thời, ông cũng kiến nghị TP nên xem xét, cân nhắc kỹ việc xây dựng trụ sở này.



DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí