Dự Luật Quy hoạch đô thị: Vướng mắc nhiều hơn đồng tình

Cập nhật 29/04/2009 10:20

“Tuỳ Quốc hội quyết định, nhưng theo tôi nếu được thì nên cho viết lại luật này" - TS. Nguyễn Hoàn - một trong số hơn 20 nhà khoa học đầu ngành...

“Tuỳ Quốc hội quyết định, nhưng theo tôi nếu được thì nên cho viết lại luật này" - TS. Nguyễn Hoàn - một trong số hơn 20 nhà khoa học đầu ngành về quy hoạch, kiến trúc tham gia buổi toạ đàm góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị sáng 28/4, có ý kiến.

Buổi toạ đàm do Hội Quy hoạch phát triển đô thị và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Chủ trì buổi toạ đàm là Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Thế Bá (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Hội QHPTĐTVN). Ông Bá cũng là người “phát pháo” đầu tiên khi cho rằng: “Tôi có cảm giác luật này không ràng buộc mà cũng không giúp đỡ gì được tôi” khi mở đầu buổi toạ đàm.

Mặc dù tiếc rằng bộ phận biên soạn dự luật này thuộc Bộ Xây dựng - đơn vị soạn thảo - không có mặt, GS. Bá vẫn tỏ ra vui mừng khi có đại diện UB Kinh tế ngân sách của Quốc hội lắng nghe.

16 điểm được cho là bất hợp lý trong dự thảo luật này đã được Hội QHPTĐTVN nêu ra trong văn bản số 04 đề ngày 26/4 gửi lên Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội và Bộ trưởng Xây dựng. Cũng tại buổi hội thảo, nhiều vấn đề đã được các nhà khoa học mổ xẻ.

Ông KTS trưởng sẽ làm gì?

Trong dự thảo luật này có nêu chức danh kiến trúc sư (KTS) trưởng và vai trò nhiệm vụ của KTS trưởng. TS -KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quan điểm của ông là không nên đưa chức danh KTS trưởng vào quy định của luật bởi “đây là một chức danh ỡm ờ”, không rõ là ông làm nhiệm vụ tham mưu, tư vấn hay làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Theo dự thảo luật, KTS trưởng là chức danh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm tại các thành phố trực thuộc Trung ương…, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp chủ tịch “Xây dựng định hướng quy hoạch, kiến trúc thành phố; Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị; Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch; Các nhiệm vụ khác có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố”.

Tuy nhiên, chức danh này lại do “Chính phủ quy định việc bổ nhiệm và nhiệm vụ cụ thể”.

Theo quan điểm của TS. Nghiêm, KTS trưởng là cá nhân, có nhiệm vụ tư vấn nhưng trong luật thì lại là một bộ máy, có văn phòng và làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Từ quan điểm đó, ông Nghiêm cho rằng hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có, là đặc thù của các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cho nên không cần có thêm một văn phòng KTS trưởng để làm gì.

TS. Lê Thế Hữu (người đứng) nói rằng nếu ông chấm bài cho dự luật này thì ông sẽ đánh trượt ngay. Ảnh: GVT.


Cùng quan điểm này, TS Lê Thế Hữu (Viện Kinh tế) cho rằng việc đưa một chức danh không cụ thể vào luật là không hợp lý. “Đưa một người giúp việc chủ tịch thành phố nhưng lại có chức năng quản lý nhà nước do Chính phủ bổ nhiệm là không nên”, ông Hữu nói. Trích dẫn lại quan điểm: “Luật phải cố gắng tránh để hiểu thế này cũng được, thế kia cũng không sao”, theo ông Hữu, cần phải định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTS trưởng rồi mới nên bàn tới việc đưa vào luật.

Chưa dừng lại, phân tích nhiều khái niệm chung trong dự thảo luật, chẳng hạn như “quy hoạch đô thị là không gian kiến trúc”, ông Hữu nhận xét: Các khái niệm chung còn bị hiểu sai như vậy, thì dự thảo luật này “nếu tôi là người chấm bài, tôi đánh trượt ngay”.

Có mặt tại buổi toạ đàm, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Đỗ Hoàng Ân thừa nhận Hà Nội từng thí điểm mô hình KTS trưởng suốt 9 năm trời, tổng kết lại cái làm được thì có, nhưng ít hơn nhiều so với quyền hạn đã được giao và hy vọng dành cho, khiến rốt cuộc Hà Nội phải phân quyền từ văn phòng KTS trưởng về cho các sở, rút văn phòng lại thành Sở Quy hoạch Kiến trúc như ngày nay.

Nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội Nguyễn Lân nói rằng, ông không muốn tham gia vào việc khen – chê mô hình KTS trưởng, nhưng ông thừa nhận hy vọng của luật là rất lớn về vai trò của KTS trưởng, nhưng xét trên điều kiện thực tế, tốt nhất nên để ông Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc kiêm nhiệm chức danh này, vì chức năng tham mưu.

GS. Bá cũng cho rằng, quy hoạch đô thị là một vấn đề lớn, không thể một người có thể làm được mà phải là một bộ máy. Như vậy, cần phát huy hơn hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc chứ không nên hy vọng vào một người.

Luật cho thừa quyền, thiếu cấm

“Đến nay, đã có 33 thủ tục hành chính trong khi quy hoạch. Nếu thêm luật này, là cộng thêm 3 thủ tục nữa, thành 36 thủ tục. Chúng ta phải xem lại vấn đề cải cách hành chính ở đây”, TS Đào Ngọc Nghiêm phân tích. Chưa dừng lại, các đại biểu đều thừa nhận ý kiến của ông Đỗ Hoàng Ân khi cho rằng luật quy định KTS trưởng “quyền thì nhiều nhưng trách nhiệm thì không thấy đâu”. Ông Ân cho rằng rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm của HN suốt 9 năm qua, “không nên đưa chức năng KTS trưởng vào luật lúc này, vì tôi muốn lập cũng được mà không lập cũng không sao”.

Toàn cảnh buổi toạ đàm góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch đô thị sáng 28/4/2009 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 20 nhà khoa học. Ảnh: GVT.


Tỏ ra chán nản vì “nói nhiều nơi, nhiều chỗ nên giờ cũng ngán rồi”, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lắc đầu: “Tôi có cảm giác luật này nặng tư duy của nền kinh tế chỉ huy, có tính chất cầm tay chỉ việc”.

Dẫn ví dụ về các dự án sân golf, các đô thị tự phát, dẫn cả con số 744 dự án được Hà Tây phê duyệt ào ạt trước khi nhập về Hà Nội, ông Liêm cho hay, dự luật này chưa có tính chất ngăn chặn.

Viện dẫn việc nhiều luật vừa ra đã phải sửa, ông Liêm lắc đầu ngán ngẩm: “Luật này ra cũng được mà không ra cũng không sao, vì luật kiểu này các ông ra cả khối rồi”.

Phản đối mô hình KTS trưởng, ông Liêm đặt vấn đề tại sao dự thảo luật cứ phải cụ thể hoá các chức danh, chỉ rõ KTS trưởng, hội đồng quy hoạch cần phải làm gì, “trong khi nay gọi thế này, mai gọi thế khác cũng không sao”, còn những vấn đề vĩ mô, tính toán sao cho phù hợp quy hoạch cũ - quy hoạch mới, vấn đề quy hoạch đô thị an dân… thì không thấy nhắc đến?

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Hoàn cho rằng luật phải thêm các quy định cấm nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, cần cấm Sở Quy hoạch Kiến trúc thành lập các "cánh tay nối dài"; ai là người quản lý nhà nước về quy hoạch thì không được lập các đơn vị thi hành; muốn hoạt động tư vấn thì cần chứng chỉ...

GS. TS Đặng Hùng Võ cho hay, luật cần định nghĩa rõ các chức danh khi xử lý mối quan hệ giữa chính quyền đô thị - tư vấn - nhân dân. Ông Võ cũng đề xuất cần phân định rõ KTS trưởng làm nhiệm vụ tư vấn hay quản lý chính quyền. Nhắc lại trận lụt lịch sử ở Hà Nội vừa qua, ông Võ nhấn mạnh cần đẩy cao hàm lượng môi trường trong quy hoạch đô thị khi làm luật.

Mạnh dạn hơn, TS. Nguyễn Hoàn đề xuất: “Tuỳ Quốc hội quyết định, nhưng theo tôi nếu được thì nên cho viết lại luật này. Chẳng hạn Hội QHPTĐTVN sẽ tập hợp những người làm quy hoạch viết lại dự luật, nếu được sử dụng thì lấy tiền, còn không thì miễn phí”, vì theo ông Hoàn, việc viết dự luật quy hoạch đô thị này “vượt tầm của Bộ Xây dựng”.

GS. Nguyễn Thế Bá nói, dự luật đã được sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng đến hôm nay, khi đưa ra toạ đàm thì vẫn thấy còn nhiều vướng mắc. “Mà vướng mắc thì nhiều hơn đồng tình, cho thấy tất cả chúng ta còn chưa thoả mãn với dự luật này, dù ra luật quy hoạch đô thị bây giờ là đã muộn”, ông Bá nói.

Nhận định rằng “hôm nay những người đang lăn lộn với quy hoạch vẫn còn nhiều băn khoăn, thì rõ ràng luật này chưa đúng tầm, chưa hướng tới được tương lai”, GS. Bá cho hay sẽ tổng kết toàn bộ các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật gửi lên Chủ tịch Quốc hội, UB Kinh tế Quốc hội để xem xét sửa đổi, trước khi đưa ra trình Quốc hội kỳ họp tới.

DiaOcOnline.vn - Theo VietNamNet