Dự án qui hoạch đôi bờ sông Hồng: 90% phiếu ủng hộ?

Cập nhật 14/11/2007 14:00

Mặc dù dư luận thời gian qua liên tiếp đặt ra rất nhiều câu hỏi quanh đại dự án qui hoạch 2 bờ sông Hồng (đoạn qua Hà Nội), TS Koo Yo Han, Trưởng đại diện phía Hàn Quốc tại....

Mặc dù dư luận thời gian qua liên tiếp đặt ra rất nhiều câu hỏi quanh "đại dự án" qui hoạch 2 bờ sông Hồng (đoạn qua Hà Nội), TS Koo Yo Han, Trưởng đại diện phía Hàn Quốc tại Tổ dự án Hà Nội - Seoul vừa khẳng định: có 90,5% ý kiến tán thành dự án.

Sáng 13/11/2007, Tổ dự án Hà Nội - Seoul đã có cuộc họp tại trụ sở UBND TP Hà Nội quanh dự án qui hoạch cơ bản phát triển 40km sông Hồng qua Hà Nội đang được nghiên cứu.

Theo ông Koo Yo Han, khoảng 30.000 người đã tới tham quan triển lãm trưng bày đồ án này và gửi lại 2.557 phiếu trả lời các câu hỏi điều tra cho Ban tổ chức. Trong đó: 90,5% tán thành dự án, 85% tán thành giải pháp công trình thủy lợi, giao thông.

Cũng theo người đại diện này, trong 83% ý kiến về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng có 38% ý kiến cho rằng giải phóng mặt bằng là cần thiết, 45% ý kiến bày tỏ cần xem xét mức bồi thường… Khoảng 80% người dân được hỏi mong muốn tái định cư gần khu vực sinh sống hiện nay.

Giống như ái ngại của rất nhiều người trước khối lượng khổng lồ các hộ dân phải di dời (lớn nhất trong các dự án từ trước đến nay), TS Koo Yo Han cũng cho biết giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề nan giải ngay cả tại Hàn Quốc. Tất cả nguyện vọng của người dân về giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được phản ánh vào báo cáo cuối kỳ (trong tháng 11/2007 này).

Bên cạnh đó, TS Koo Yo Han cho rằng các dự án phát triển nhà ở, văn phòng chỉ là một phần nhỏ của dự án. Tiêu điểm chính của dự án này là xây dựng hạ tầng, công trình công cộng, chỉnh trị tuyến đê, tránh những thiệt hại do lũ gây ra.



Làm thế nào giữ được chỉ một thế sông cho mãi

muôn đời (trong khi sông Hồng nổi tiếng là khó tính

với những thay đổi thất thường, khó đoán định)?


Tuy nhiên, theo đại diện này - kinh phí đầu tư cho dự án là rất lớn. Trong quá trình chỉnh trị sẽ tạo ra quỹ đất phát sinh giữa đê cũ và đê mới, có khả năng xây dựng nhà ở (trong đó có quỹ nhà tái định cư). Phần nhà ở để bán, văn phòng cho thuê sẽ tạo ra lợi nhuận đầu tư trở lại cho các chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình cộng cộng, giải phóng mặt bằng...

Trùng với nhận định của Bộ Xây dựng, TS Koo Yo Han cho biết dự án qui mô lớn này cần thời gian xem xét, thông qua khoảng 2 năm. Từ nay đến khi nghiên cứu hoàn tất và được phê duyệt, hy vọng kết quả cuối cùng sẽ giải đáp được hàng loạt thắc mắc của người dân và các nhà chuyên môn như: Cơ sở khoa học nào để đảm bảo ổn định dòng chảy sông Hồng?

Dự toán 7 tỉ USD kia đã bao gồm cả tính toán ổn định cho thượng lưu, hạ lưu sông chưa (hay chỉ tính cho phần ổn định dòng chảy và xây dựng cơ sở vật chất)? Nội dung các câu hỏi thăm dò dư luận vừa qua đã chuẩn xác chưa hay chỉ thiên về hỏi quan niệm môi trường sống, và 2.557 phiếu trả lời có đại diện cho toàn bộ nhân dân?

Theo VietNamNet