Ở nước có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với hơn 700 đô thị hiện nay, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị đối với Việt Nam là rất cần thiết. Song dự án Luật Quy hoạch đô thị đã không nhận được sự...
Dự luật cũng chưa chỉ ra được nghĩa vụ của dân trong việc chấp hành quy hoạch.
Ở nước có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với hơn 700 đô thị hiện nay, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị đối với Việt Nam là rất cần thiết. Song dự án Luật Quy hoạch đô thị đã không nhận được sự tán đồng của giới chuyên môn và sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân.
“Bóng dáng” dân mờ nhạt
Một trong những điểm khó tiếp cận của dự luật là dự luật dày đặc thuật ngữ chuyên môn. Với những chỉ dẫn thủ tục hành chính về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị của dự luật, những người không thông thạo lĩnh vực kiến trúc, xây dựng thì không thể hiểu hết được.
Trong dự luật, ngoài những quy định rất chung chung như “cá nhân trong nước có quyền tham gia ý kiến, giám sát đối với hoạt động quy hoạch đô thị” (Điều 9), “các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu” (Điều 22) thì không thấy “bóng dáng” của người dân ở đâu nữa. Trong khi đã là quy hoạch thì không thể tránh khỏi việc đụng chạm đến những quyền lợi sát sườn của người dân. Mặt khác, có đến bốn chủ thể liên quan đến quy hoạch là nhà nước, tư vấn, chủ đầu tư, người dân nhưng dự luật không đưa ra bất kỳ biện pháp chế tài nào, ai sai thì bị xử lý ra sao, mức độ xử lý đến đâu...
Phải định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của dân
Ông Bùi Hồng Hà, trợ lý Ban giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, phân tích: “Lấy ý kiến dân nhưng người quyết định là người có thẩm quyền chứ dân không có quyền quyết. Vậy thì luật cần giải quyết bài toán khi người dân không đồng ý thì phải bù đắp bằng cái gì để giải tỏa sự ấm ức của dân. Tôi ví dụ đơn giản: Trên cùng một trục đường có hệ số sử dụng đất bằng nhau nhưng có nhà được xây bảy tầng, nhà thì chỉ được xây có ba tầng vì nếu các nhà có độ cao giống nhau thì tổng thể sẽ không được đẹp. Vậy nhà nước có thể tính toán sao đó cho nhà xây bảy tầng phải đóng thuế cao hơn. Tiền đóng thuế đó dùng xây dựng công viên, công trình phúc lợi... cho người dân cả trục đường thụ hưởng”. Dự luật cũng không nêu cụ thể nếu phản đối quy hoạch thì người dân cần “gõ cửa” ở đâu (dự luật chỉ nêu hình thức điền vào phiếu điều tra, phỏng vấn, phiếu góp ý), có cơ quan nào đứng ra giúp dân lên tiếng hay không...
Ngược lại, dự luật cũng chưa chỉ ra được nghĩa vụ của dân trong việc chấp hành quy hoạch. Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM Lê Văn Năm cho biết: “Dân có quyền kiến nghị nhưng vấn đề gì đã quyết định rồi thì dân tuyệt đối phải chấp hành. Nên đưa vai trò người dân vào dự luật và kèm theo những ràng buộc cần thiết để đảm bảo người dân tôn trọng, thực hiện theo quy hoạch. Dự luật phải nêu những nguyên tắc cụ thể để người dân tuân thủ và trở thành chỗ dựa cho cán bộ làm công tác quy hoạch dám mạnh tay”. Ông Bùi Hồng Hà kiến nghị: “Nếu chỉ dừng lại ở mức quy trình hành chính như dự luật thì không cần thiết phải ban hành thành luật mà chỉ cần văn bản dưới luật là đủ”.
Giới chuyên môn cũng chưa thông
Lý do lớn nhất khiến giới kiến trúc sư chưa ủng hộ là dự luật không ra “chất luật” vì chỉ là cái khung sườn, không giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể. Chẳng hạn dự luật phân đô thị làm sáu loại rồi để tiêu chí phân loại cho Chính phủ quyết định trong khi theo kiến trúc sư Võ Thành Lân thì cần ghi luôn vào trong luật. Đối với công trình thay đổi chức năng so với quy hoạch ban đầu (ví dụ quy hoạch là xây cao ốc văn phòng nhưng sau đổi thành khách sạn) thì việc đổi như thế nào, ai cho phép, xử lý thế nào, nguyên tắc thay đổi đồ án đã được duyệt ra sao cũng chưa rõ.
Giới chuyên môn còn cho rằng có cảm giác như dự luật chỉ là bước phát triển Chương II Luật Xây dựng năm 2003 về quy hoạch xây dựng. Dự luật hoàn toàn không đả động đến các quy hoạch khác không thể tách rời quy hoạch xây dựng như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch về mạng lưới điện, cấp thoát nước... Theo Điều 55 dự luật, cơ quan quản lý quy hoạch đô thị các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị khi có yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay không có đầu mối quản lý về quy hoạch tổng thể (cấp thoát nước, điện...), vậy ai sẽ là người cung cấp những thông tin đầy đủ cho nhà tư vấn hay là tư vấn phải tự “bơi”? Với việc tái lập chức danh kiến trúc sư trưởng như Điều 18 dự luật, hai sở Quy hoạch-Kiến trúc ở Hà Nội và TP.HCM có còn tồn tại không, nếu tồn tại thì có mối tương quan ra sao với kiến trúc sư trưởng?
Dự kiến cuối tháng 3, lãnh đạo Bộ Xây dựng sẽ có cuộc họp với những người làm công tác quy hoạch tại TP.HCM để lấy ý kiến tiếp về dự luật này.
TS-KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Hiện tại, chúng ta đang thực hiện quy hoạch đô thị theo mô hình không gian ở ba cấp độ: quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Mô hình này mang tính chất áp đặt lý trí, ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém và hạn chế. Theo tôi, cần thiết phải đổi sang phương thức quy hoạch tham dự, quy hoạch hành động có sự tham dự của cộng đồng và đề cao yếu tố phản biện xã hội.
KTS Võ Thành Lân: Dự luật có một khoảng cách khá xa so với sự kỳ vọng của xã hội do chưa đặt ra và chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ, chưa giải đáp được bức xúc của dân lẫn giới chuyên môn. Không nên ban hành luật chỉ vì mục đích phủ kín luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP