Đô thị đại học: giải pháp giảm tải cho nội đô TP.HCM

Cập nhật 06/09/2010 11:45

Một phương án khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực cho nội thành đối với Hà Nội và TP.HCM là chuyển sinh viên ra ngoại thành. Đó là lực lượng đi mà không trở lại bởi phần lớn trong số họ không có nhà...

Một phương án khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực cho nội thành đối với Hà Nội và TP.HCM là chuyển sinh viên ra ngoại thành. Đó là lực lượng đi mà không trở lại bởi phần lớn trong số họ không có nhà, không có gia đình và không có bất động sản. Nhận thức đúng và hành động này đã xuất hiện ở các nước trong khu vực châu Á từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi đó họ có bối cảnh phát triển tương tự như Việt Nam hiện nay.


Phác hoạ bốn vùng đô thị đại học “vô tình” hình thành tại TP.HCM.

Tại TP.HCM, vào những ngày lễ tết, khi mà hàng chục ngàn sinh viên về quê thì tình trạng ách tắc giao thông giảm hẳn, thành phố trở nên thoáng đãng hơn. Do vậy, nếu TP.HCM chủ động hình thành các vùng, khu đô thị đại học ở bên ngoài trung tâm thì đó là một hướng đi đúng đắn và không thể chậm hơn được nữa.

Vô tình ra đời!


Có một thực tế là ở TP.HCM hiện nay đang tự phát hình thành nên các vùng (khu vực) đô thị đại học. Nói tự phát là vì hầu hết các trường đại học ở trong nội thành thấy chật chội muốn bung ra bên ngoài, trường dân lập tự tìm mua đất theo các dự án khu dân cư, có trường đang tiến hành xây dựng, có trường mới xí phần để đấy. Tình thế này vô tình đã hình thành nên bốn khu đô thị đại học.

Ở phía đông bắc, nơi giáp ranh với Bình Dương, vùng đô thị đại học ở đây bao gồm: đại học Quốc gia với tám trường, hai viện được quy hoạch trên diện tích 650ha, đại học Việt - Đức, viện Công nghệ sinh học, đại học Nông lâm, đại học An ninh, đại học Thể dục thể thao Trung ương 2, khu Công nghệ cao (1.000ha), đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, đại học quốc tế Bình Dương và nhiều trường đại học khác.

Ở phía tây bắc, trong quy hoạch dự tính sẽ có chừng mười trường đại học và cao đẳng, như đại học Y dược 100ha, đại học Mở 20ha, cao đẳng Sư phạm 60ha, đại học Quốc tế 1.000ha, đại học Công nghiệp 50ha, đại học Luật 5ha, đại học Mekong 100ha. Quy mô lớn nhất là đại học Quốc tế 110ha do Malaysia đầu tư. Tuy nhiên, các trường này vẫn còn trong giai đoạn quy hoạch 1:200 và phân bổ khá phân tán, chưa định hình rõ nét.

Ở khu vực Nam Sài Gòn cũng tập trung khá nhiều trường đại học, tuy nhiên quy mô trung bình và nhỏ, hơi phân tán, trong đó có các trường: đại học Văn hiến 5ha, đại học Kinh tế tài chính 55ha, đại học RMIT…

Ở khu vực phía tây - nam với các trường đại học Tân Tạo (40 ha), đô thị đại học ở Long An do hội đồng đại học ngoài công lập đang xúc tiến trên diện tích 180ha và một vài trường nữa đang tiếp tục xúc tiến.

Như vậy là bốn hướng của thành phố đều có các vùng đại học, nếu hình thành được các khu đô thị đại học như các nước trong khu vực thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho thành phố. Chúng ta hình dung khi mà gần nửa triệu sinh viên đang tập trung ở khu vực trung tâm được chuyển ra phía ngoài cách xa thành phố chừng 7 - 20km thì tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông sẽ giảm hẳn, các dịch vụ công sẽ được giảm tải.

Ngoài ra, còn có những lợi ích hiển nhiên khác như tiết kiệm được đất khi các trường tập trung lại một chỗ, dễ đầu tư tập trung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác dịch vụ hiệu quả sinh lời cao, quản lý giáo dục có hiệu quả hơn và đặc biệt là hình thành nên một môi trường sống mang tính văn hoá cao. Chính vì thế mà người ta gọi thành phố đại học là “thành phố trí tuệ”, “thành phố khoa học”, “thành phố sinh viên”.

Cần một chủ trương

Một thực tế là xu hướng hình thành nên các đô thị đại học ở Việt Nam đang dần lộ diện đây đó trên địa bàn cả nước, và tập trung cao ở Hà Nội và TP.HCM. Nó trở thành một xu thế không cưỡng lại được và điều kiện để cho chúng hình thành đã chín muồi. Đô thị đại học là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy này.

Tuy nhiên để hình thành nên đô thị đại học thì cần phải có chủ trương, mà cụ thể là quy chế đô thị đại học. Hiện nay khái niệm “đô thị đại học” không có trong bất cứ văn bản nào của Nhà nước Việt Nam, không tồn tại trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách đô thị. Ở Việt Nam chỉ có khái niệm và chủ trương về “khu đô thị đại học tập trung”, tức là việc gom các trường về một địa điểm chứ không hình thành hệ thống thống nhất về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dịch vụ, cơ sở phục vụ giảng dạy…

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư rất lớn, đồng bộ của Nhà nước hay một nhà đầu tư mạnh (không chỉ có nhiều tiền). Không có đô thị đại học nào trên thế giới ra đời mà không có sự đầu tư lớn về đất đai, tiền vốn và kiên quyết thi công dứt điểm trong thời gian hạn định.

Khi đặt vấn đề di dời các trường đại học ở trung tâm ra ngoại thành, nhiều chính quyền thành phố đã đặt vấn đề hoán đổi hoặc thu hồi có điều kiện mảnh đất ở trong nội ô. Điều này không cần thiết, bởi vì sự hiện diện của các viện nghiên cứu, các trường đại học truyền thống có hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm làm gia tăng giá trị “trí tuệ và văn hoá” cho một thành phố. Lãnh đạo các trường đại học phải thay đổi nhận thức để thực hiện sự liên kết, liên thông với nhau và sẵn sàng chia sẻ trong một không gian đa chiều (kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật, khoa học, giáo dục, tâm linh).

Một trong số các cản ngại lớn nhất lại chính từ các trường, tâm lý “anh hùng nhất khoảnh”, “ruộng ai người nấy canh tác” còn rất nặng nề và phổ biến. Phá bỏ một hàng rào, sử dụng chung nhau một phòng thí nghiệm, một sân thể thao xem ra còn là điều xa lạ và thách thức nội tại rất lớn cho mô hình này.

PGS. TS Nguyễn Minh Hoà Chủ nhiệm khoa đô thị học, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Cần một đô thị hạt nhân

Để các thành phố, thị trấn đại học trở thành hiện thực thì cần phải bắt đầu xây dựng từ một vài đô thị đại học (thành phố, thị trấn) làm hạt nhân để dần mở rộng ra cả vùng. Hiện nay ở TP.HCM, các hạt nhân như thế đã bắt đầu xuất hiện như đô thị đại học Tân Tạo, thị trấn đại học của trường ĐH Kinh tế tài chính… Và đô thị đại học Quốc gia TP.HCM (650ha) được coi là khả thi và hiện thực nhất, được chuẩn bị khá kỹ lưỡng không chỉ về lý thuyết mà cả về chủ trương, tiềm lực tài chính và nhân lực. Có thể đó sẽ là thành phố đại học đầu tiên ra đời trong cả nước.

Trong những dịp làm việc gần đây nhất, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao trách nhiệm cho đại học Quốc gia TP.HCM nhiệm vụ xây dựng khu đô thị đại học mang tầm quốc gia và khu vực, trở thành đầu tàu về giáo dục đào tạo ở phía Nam đất nước.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị