Cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã mang một tầm vóc mới với diện tích hơn 3.300 km2 (tăng gấp 3,6 lần), dân số lên tới hơn...
Cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã mang một tầm vóc mới với diện tích hơn 3.300 km2 (tăng gấp 3,6 lần), dân số lên tới hơn 6,2 triệu người.
Trong quy hoạch Vùng Thủ đô mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ trở thành đô thị hạt nhân, tạo động lực phát triển cho toàn vùng.
Do đó, việc quy hoạch, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài trở thành một CHK tầm cỡ quốc tế là một đòi hỏi cấp thiết và phù hợp với yêu cầu của Thủ đô Hà Nội, một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Đã thành “manh áo chật”
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về CHKQT Nội Bài hiện nay. Nếu so sánh với sân bay của thủ đô nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, CHKQT Nội Bài lại càng trở nên nhỏ bé, đặc biệt là trong thời kỳ Thủ đô và đất nước trong hội nhập quốc tế.
TS Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) cho biết, CHKQT Nội Bài hiện đang được khai thác 2 đường cất hạ cánh 1A và 1B.
Nhà ga hành khách T1 (đưa vào sử dụng từ tháng 10-2001) có công suất thiết kế đạt khoảng 6 triệu hành khách (HK)/năm. Dự báo, đến năm 2010 sẽ đạt khoảng 9 triệu HK/năm, năm 2020 là 15 triệu HK/năm và năm 2030 là 25 triệu HK/năm.
Do đó, điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng CHKQT Nội Bài trong tương lai là rất cấp thiết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Hàng không Việt Nam và sự phát triển của toàn Vùng Thủ đô, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch CHKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020. Đây chính là cơ sở để CHKQT Nội Bài có cơ hội vươn mình, phát triển trở thành một CHK tầm cỡ quốc tế.
Theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, nhu cầu sử dụng đất cho CHKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 là 696,8ha, trong đó, diện tích đất hiện có là 544ha, diện tích cần đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) 152,8ha.
Dự kiến, đến năm 2020, số máy bay tiếp nhận giờ cao điểm của CHKQT Nội Bài là 29 máy bay các loại; lượng HK tiếp nhận 20-25 triệu HK/năm với khả năng tiếp nhận 5.350 HK/giờ cao điểm (nhà ga HK T1 phục vụ hoạt động bay nội địa, dự kiến mở rộng, nâng công suất đạt 7,2 - 10 triệu HK/năm; nhà ga HK T2 phục vụ bay quốc tế, công suất đạt 10-15 triệu HK/năm); lượng hàng hóa tiếp nhận 260.000 tấn/năm…
Giai đoạn sau năm 2020 tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cấp các công trình nhà ga HK thuộc khu phía Bắc, đạt 25 triệu HK/năm; sân đỗ của khu bay phía Bắc sẽ được mở rộng.
Khi đó, tổng số vị trí đỗ máy bay các loại sẽ đạt khoảng 44 chiếc, trong đó có 2 chiếc A380; mở rộng, nâng công suất nhà ga hàng hóa đạt 500.000 tấn/năm.
Đồng thời phát triển về phía Nam với việc quy hoạch thêm đường cất, hạ cánh 1C, đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay; xây dựng thêm nhà ga HK T3 và T4…
Sau năm 2020, CHKQT Nội Bài có thể tiếp nhận 45 máy bay các loại tại giờ cao điểm; 50 triệu HK/năm (sau năm 2030) với 8.200 HK/giờ cao điểm. Nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho giai đoạn phát triển dài hạn là 1.353ha.
Thi tuyển thiết kế biểu trưng cho sân bay - Tại sao không?
Một chuyên gia của CHKQT Nội Bài cho rằng, với việc quy hoạch phát triển CHKQT Nội Bài quy mô như vậy, bài toán xây dựng thêm 1 sân bay tầm cỡ ở khu vực miền Bắc (từng có ý kiến đặt tại Hải Dương) đã có lời giải.
Theo đó, việc triển khai thêm sân bay mới là chưa cần thiết. Còn theo TS Nguyễn Bách Tùng, trong thời điểm hiện tại, mạng sân bay tại miền Bắc đã khá dày đặc với sân bay Yên Bái, Nà Sản ở phía Tây Bắc, sân bay Kép ở phía Đông Bắc, sân bay Gia Lâm, Kiến An, Cát Bi ở phía Đông, sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn ở phía Tây Nam.
Do đó, nếu đặt thêm 1 CHK mới xung quanh khu vực Hà Nội sẽ gây ảnh hưởng tới đường bay của các sân bay khác. Bên cạnh đó, chi phí để xây dựng một CHK tầm cỡ quốc tế tại thời điểm hiện nay rất tốn kém (5-7 tỷ USD cho mỗi giai đoạn).
Để thực hiện dự án này, nhu cầu vốn giai đoạn đến năm 2020 là 13.743,3 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2020 là 43.069,3 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Bình, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn tư nhân…
Tuy nhiên, vấn đề GPMB khá nan giải. Đại diện CHKQT Nội Bài cho biết, “Sau khi công bố quy hoạch, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, khảo sát lập phương án đền bù, GPMB. Nhưng nếu chính quyền TP Hà Nội và trực tiếp là huyện Sóc Sơn không phối hợp tích cực thì tiến độ GPMB sẽ rất chậm. Tiến độ xây dựng, mở rộng CHK cũng sẽ bị chậm theo”.
Đánh giá về dự án quy hoạch, mở rộng CHKQT Nội Bài, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, quy hoạch điều chỉnh này rất phù hợp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng bền vững.
Đặc biệt, quy mô của CHKQT Nội Bài sau khi điều chỉnh sẽ thực sự là một CHK tầm cỡ quốc tế, xứng tầm với quy hoạch của toàn Vùng Thủ đô trong tương lai không xa.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi đến thăm một số thủ đô trên thế giới, du khách có thể dễ dàng nhận thấy những biểu trưng của quốc gia đó, thành phố đó ngay từ khi bước xuống sân bay.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên tổ chức rộng rãi thi tuyển thiết kế mẫu biểu trưng cho dự án này, để CHKQT Nội Bài thực sự xứng đáng với tầm vóc của một trong 17 thủ đô có quy mô diện tích lớn nhất thế giới, một “Thành phố vì hòa bình”.
Theo Hà Nội Mới