UBND TP.HCM cuối tuần qua có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về đồ án điều chỉnh qui hoạch xây dựng thành phố đến năm 2025 xác định vùng...
Đề xuất thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía bắc huyện Hóc Môn và một tại phía nam huyện Nhà Bè
UBND TP.HCM cuối tuần qua có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về đồ án điều chỉnh qui hoạch xây dựng thành phố đến năm 2025 xác định vùng đô thị TP.HCM có bán kính ảnh hưởng từ 30-80km.
Vùng đô thị này sẽ gồm cả tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Đồ án sẽ được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt.
Mục tiêu là nhằm xây dựng thành phố hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường theo hướng liên kết vùng. Từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của Đông Nam Á.
Sẽ là thành phố đa trung tâm
Theo tờ trình, ngoài việc phát triển khu vực nội thành hiện hữu và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (diện tích 737ha), các hướng phát triển của khu vực ngoại vi còn bổ sung thêm hướng tây, tây-nam. Ở khu nội thành cũ, thành phố sẽ xác định tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng tùy khu chức năng và khu vực.
Trong đó, ba nơi được xác định cần bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, cảnh quan gồm khu trung tâm hiện hữu ở quận 1, 3; khu vực Chợ Lớn ở quận 5 và khu vực Bà Chiểu ở Bình Thạnh. Các công trình kiến trúc đó sẽ được nghiên cứu cụ thể để tạo nét đặc trưng. Những nơi khác sẽ được cải tạo, chỉnh trang kết hợp với xây mới một số ô phố theo hướng giữ nguyên dân số, tăng tầng cao.
Thành phố chọn phương án phát triển theo hướng đa trung tâm, gồm: trung tâm chính của thành phố (quận 1, 3, 4, 5 và một phần Bình Thạnh), trung tâm mới mở rộng sang khu Thủ Thiêm. Các trung tâm khu vực sẽ có ở phía đông (phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rộng 280ha), phía bắc thuộc khu đô thị mới Tây - Bắc (rộng khoảng 300ha), phía tây (giáp quốc lộ 1, ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, rộng 200ha) và phía nam (khu A đô thị mới phía nam, 98ha). Ngoài ra thành phố cũng đề xuất thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía bắc huyện Hóc Môn và một tại phía nam huyện Nhà Bè.
Lấy nước đầu nguồn, xây nhà máy điện hạt nhân
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu dùng nước sạch của người dân thành phố là 4,3 triệu m3/ngày (bằng 61% của vùng, 7 triệu m3/ngày). Theo qui hoạch tổng thể cấp nước được duyệt đến năm 2020, các dự án cấp nước chỉ có thể cấp được khoảng 3,2 triệu m3/ngày. Do vậy, để cung cấp đủ nước, hạn chế khai thác nước ngầm và nước mặt trên sông Sài Gòn, thành phố phải bổ sung thêm nguồn nước từ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng.
Cụ thể sẽ xây dựng thêm ba nhà máy cấp nước mới là hồ Trị An (từ 2-3 triệu m3/ngày), hồ Phước Hòa (800.000 m3/ngày), hồ Dầu Tiếng (1 triệu m3/ngày) để đáp ứng yêu cầu trên. Thành phố đề xuất chọn phương án lấy nước tại các hồ đầu nguồn (Trị An, Phước Hòa, Dầu Tiếng) thay vì lấy trên sông Sài Gòn, Đồng Nai như hiện nay. Bởi đến năm 2025 nguy cơ các sông Đồng Nai, Sài Gòn bị ô nhiễm cao khó kiểm soát chất lượng trong khi nước đầu nguồn thì dễ hơn.
Về nhu cầu sử dụng điện, đến năm 2025 nhu cầu của vùng tăng hơn năm lần hiện nay. TP.HCM chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu của cả vùng. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện trong vùng sẽ không cung cấp đủ nhu cầu. Do vậy, cần xây dựng các nhà máy, kể cả nhà máy điện nguyên tử ở khu vực miền Nam thông để cung ứng đủ, ổn định cho nhu cầu của vùng tăng.
Bốn hành lang phát triển
Thành phố đề xuất bốn hành lang ưu tiên phát triển: hành lang phía đông (dọc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai); hành lang phía nam dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước; hành lang hướng tây - bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương). Cuối cùng là hành lang hướng tây, tây - nam dọc trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các khu đô thị phía nam, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh...