Hiện Hà Nội có mật độ dân cư phố cổ vào loại đông nhất thế giới (84.000 người/km2). Theo số liệu của UBND quận Hoàn Kiếm, diện tích nhà ở, tính theo đầu người chỉ có 2m2/người. Để giải quyết vấn đề chỗ ở các hộ gia đình sống trên phố cổ buộc phải cơi nới, lấn chiếm khiến nhà cổ thành... mê cung.
Chính vì vậy việc thành phố và quận Hoàn Kiếm chủ trương di dân phố cổ sang khu đô thị mới là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được thì chỉ một mình quyết tâm của chính quyền là không đủ mà cần cả sự nỗ lực từ hai phía các nhà quản lý và người dân
Tâm sự người dân
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 di dới 3 vạn dân ra khỏi phố cổchia làm nhiều đợt sang KĐT mới Việt Hưng (quận Long Biên). Tuy nhiên không phải người dân nào cũng đồng tình với việc chuyển đến chỗ ở mới. Anh Nguyễn Đông Giang, phố Hàng Chiếu tâm sự: Trừ những nhà ở mặt phố thuận tiện buôn bán, cuộc sống của nhân dân hộ phía trong vô cùng chật chội, khổ sở. Nhưng dù có chật chội, khổ sở như thế nào thì tôi và gia đình vẫn muốn ở lại. Bởi chúng tôi từ bé đến lớn đã gắn liền với phố cổ, những thói quen và sinh hoạt hằng ngày đã tạo cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt, mà như phải chuyển đi ai cũng cảm thấy luyến tiếc.
Không chỉ có vậy, phố cổ cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình,Chưa kể, nhiều hộ dân sống trong một số nhà, đang có tranh chấp, giấy tờ sở hữu không rõ ràng hoặc bị thất lạc sau nhiều năm cũng lo sợ, nếu chuyển sang khu ở mới sẽ không đủ thủ tục pháp lý để được cấp nhà mới. Trong khi đó họ vẫn sống yên ổn tại nơi ở cũ.
Để có thể di dời một bộ phận dân cư phố cổ, chính quyền cần khảo sát thực tế, từ đó đưa ra những biện pháp sát với thực tế cuộc sống cụ thể của từng hộ dân; Phân loại đối tượng ai đi, ai ở, ai đi trước, ai đi sau, bằng cách lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng khu dân cư. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là các hộ sống trong cùng một số nhà, nhất là những hộ có mặt tiền thuận tiện cho việc mua bán nên tự thỏa thuận trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở.
Người ở mặt tiền, thường sẽ ở lại. Người ởphía trong chắc chắn là đối tượng di dời. Đôi bên cùng bàn bạc, người ở lại thông cảm với khó khăn của người ra đi, người mua, kẻ bán vì quyền lợi của nhau hãy thống nhất cáí giá đôi bên chấp nhận được, lại vẫn giữ được cái "tình làng nghĩa xóm" một nét đẹp văn hoá của người phố cổ. Nếu các hộ không "hiệp thương" được với nhau thì người phải di dời sẽ hưởng chính sách đền bù theo quy định của Nhà nước.
Ngay giai đoạn 1 dự kiến có 1900 hộ dân (khoảng 1 vạn người) hiện đang sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích tích lịch sử, trường học, công sở buộc phải đi và 280 hộ tự nguyện, TP cần có kế hoạch di dời sớm để giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng phố cổ.
Bà Nguyễn Thu Hương, phố Hàng Đào cho rằng "Thành phố cần sớm triển khai kế hoạch dãn dân bởi mỗi mét vuông đều bị chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán, kho chứa hàng. Ai cũng nghĩ ở phố cổ gần trung tâm nên sướng, nhà có thể cho thuê hàng chục triệu đồng/tháng, hay bán đi có cả trăm, ngàn cây vàng, điều này chỉ đúng với gia đình có cửa hàng ngoài mặt phố. Nhiều gia đình không có nhu cầu buôn bán, lại phải sống trong phố cổ hun hút, không phải chủ sở hữu ngôi nhà thực sự, cũng chẳng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đây là sở hữu của mình nếu chuyển đến nơi ở mới có điều kiện sống tiện nghi, không chỉ thuận cho sinh hoạt, mà cả cho đời sống kinh tế thì có lẽ chẳng ai lại không muốn. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đợt một làm tốt sẽ là thực tế sống động để đợt sau dễ dàng làm tốt hơn”.
Cần những biện pháp đồng bộ
Nhưng muốn được như vậy, thành phố phải có biện pháp đồng bộ trong việc tổ chức cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như trường học, chợ, nơi vui chơi cho các cháu học sinh, tạo việc làm có thu nhập ổn định, … Và với một nét đặc trưng của phố cổ là " phố nghề", nên khi dãn dân đến nơi mới, thành phố cần khai thác tối đa " sở trường" của "phố nghề" vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa không bị mai một nghề truyền thống của phố phường Hà Nội.
Ông Khuất Đăng An - Chánh văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho việc giãn dân phố cổ, Phó Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Văn Khôi vừa chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho 7 ô đất ký hiệu CT-04, CT-05, CT-06, CT-07, CT-08, BT-01 và BT-02 tại khu đô thị mới Việt Hưng. Việc thành phố điều chỉnh quy hoạch sẽ tạo điều kiện cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/500; Từ đó, quận sẽ xác định những khu vực nào cần giữ nguyên hiện trạng, khu nào cho sửa chữa cải tạo, xây mới cũng như xác định chính xác số lượng những hộ dân phải di dời. Dự kiến trong năm nay, UBND quận Hoàn Kiếm cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quận Hoàn Kiếm và khu di dời tại KĐT mới Việt Hưng.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị