Đề xuất đất không giấy tờ vẫn được cấp phép xây dựng

Cập nhật 22/10/2011 08:15

Bộ Xây dựng đưa ra các điều kiện về đất khá thoáng trong thủ tục xin cấp phép xây dựng. Các điều kiện khá thoáng về đất khi cấp giấy phép xây dựng (GPXD) trong dự thảo nghị định về cấp GPXD được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo ngày 21-10 đã gây nhiều tranh cãi.

Bộ Xây dựng đưa ra các điều kiện về đất khá thoáng trong thủ tục xin cấp phép xây dựng.

Các điều kiện khá thoáng về đất khi cấp giấy phép xây dựng (GPXD) trong dự thảo nghị định về cấp GPXD được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo ngày 21-10 đã gây nhiều tranh cãi.

Giấy tay cũng hợp pháp?


Dự thảo liệt kê gần 20 loại giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất và quy định hồ sơ đề nghị cấp GPXD chỉ cần bản sao chứng thực của một trong số này. Trong đó, đáng chú ý là giấy tờ mua bán đất giữa các cá nhân với nhau cũng được coi là hợp pháp. Ngay cả khi cá nhân không có bất kỳ giấy tờ gì nhưng được UBND cấp xã xác nhận đất đó đang sử dụng không có tranh chấp thì vẫn được xét cấp GPXD…

Quan điểm khá thoáng của Bộ Xây dựng đã gây nhiều tranh luận. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai - Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nhận xét: Những quy định dễ dãi như vậy sẽ dẫn đến việc người dân không thực hiện nghĩa vụ đối với mảnh đất của mình (như nộp tiền sử dụng đất, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận…). Lý do quá đơn giản, họ không làm những việc đó thì vẫn được cấp phép xây nhà. Hậu quả là Nhà nước bị thất thu và khó quản lý đất đai.

“Với những mảnh đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay giấy khác có giá trị tương đương thì chỉ nên cho người dân xây nhà tạm, nhà cấp bốn trên đó mà thôi. Loại nhà này không cần GPXD” - ông Chiến đề xuất.


Theo dự thảo, quy định về cấp phép xây dựng khá thông thoáng gây nhiều tranh luận. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Công, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội), lại cho rằng nếu cứ đợi người dân phải có giấy đỏ mới được cấp GPXD thì rất khó. Theo ông Công, người mua nhà đất theo Nghị định 61/CP phải đợi 2-3 năm mới có giấy chứng nhận chủ quyền. Đất chậm được cấp giấy là do mỗi “ông” chậm một tí, không phải lỗi của người dân. Trong trường hợp đó, nếu nhà sắp sập, họ cũng phải chờ đến khi có sổ đỏ mới được xây lại hay sao?

“Với những trường hợp như vậy nên cấp GPXD cho người dân nhưng ghi rõ họ phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục cấp sổ đỏ. Nếu họ không chịu thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì có thể bị xử lý bởi một quy định khác” - ông Công kiến nghị.

E ngại “đẻ” thêm thủ tục


Một trong những điểm mới nữa đáng chú ý tại dự thảo là quy định một số trường hợp phải xin ý kiến của các cơ quan cấp trên. Cụ thể, đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và thiết kế đô thị thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng đối với công trình đặc biệt, công trình cấp 1. Các công trình còn lại phải có ý kiến chấp thuận của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong các đô thị vẫn còn không ít nơi chưa có quy hoạch chi tiết. Việc phải xin ý kiến chấp thuận như vậy sẽ đẻ thêm thủ tục, kéo dài thời gian cấp GPXD.

“Ở TP.HCM và Hà Nội có rất nhiều công trình cấp 1, Bộ Xây dựng khó quản hết được. Vì vậy, Bộ nên giao hết quyền cho địa phương đối với loại công trình này” - ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, góp ý.

Cơ quan cấp phép cũng muốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều người dân không có giấy này. Nếu cứ buộc phải có giấy chứng nhận mới được cấp GPXD thì nhiều người sẽ không xây được nhà. Cũng phải nói rằng cơ quan cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên cơ quan cấp phép xây dựng phải xử lý theo tình huống.

Ông LÊ THỌ VINH, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP