Đẩy mạnh mô hình phát triển nhà cho thuê

Cập nhật 20/12/2010 14:10

“Cả nước còn khoảng 11.458 hộ chưa có nhà ở, trong đó tại khu vực đô thị, tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,67‰ (khoảng 4.502 hộ). Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,45‰ (khoảng 6.956 hộ)”...

“Cả nước còn khoảng 11.458 hộ chưa có nhà ở, trong đó tại khu vực đô thị, tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,67‰ (khoảng 4.502 hộ). Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,45‰ (khoảng 6.956 hộ)” – đó là những chi tiết quan trọng trong báo cáo phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009 phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực nhà ở và một số lĩnh vực khác của bộ Xây dựng mới được thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Những cuộc di cư lớn


Theo bộ Xây dựng, xu hướng quy mô số người trong mỗi hộ có chiều hướng giảm dần, phổ biến nhất hiện nay là hộ có bốn người trở xuống, vậy phát triển loại hình chung cư phù hợp nhất. Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo phân tích của thứ trưởng Nam, hiện nay trên toàn quốc có tình trạng di cư âm ỉ nhưng có cường độ lớn. Cường độ di cư của thời kỳ 2004 – 2009 lớn hơn so với thời kỳ 1994 – 1999. Trong đó, di cư giữa các vùng tăng trưởng mạnh nhất, tăng gấp 1,5 lần, tiếp đến là di cư giữa các tỉnh. Giai đoạn 2004 – 2009, tổng số người di cư là 9,09 triệu người, tăng hơn 3,2 triệu người so với giai đoạn 1994 – 1999, đặc biệt là số người di cư tăng theo khoảng cách di cư.

Thứ trưởng Nam nhận định, vào năm 2009, trong phạm vi cả nước chỉ có hai vùng là vùng nhập cư, bốn vùng còn lại là vùng xuất cư. Hai vùng nhập cư là vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Lý do người di cư đến hai vùng kể trên có khác nhau. Người dân di cư đến Tây Nguyên mục đích chính là tìm đất canh tác và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Người dân di cư đến vùng Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, có một lượng không nhỏ là để học tập, đào tạo nâng cao tay nghề và ở lại làm việc theo nhu cầu tuyển dụng. Trong hai vùng này, tỷ suất di cư thuần của Đông Nam bộ cao hơn hẳn, tăng gấp 2,5 lần so với mười năm trước. Dân số thành thị tăng khá nhanh với tỷ lệ tăng bình quân là 3,4%/năm. Việc di dân khiến sức ép tăng dân số cơ học đối với đô thị ngày càng gia tăng, dẫn tới quá tải hệ thống hạ tầng xã hội: thiếu nhà ở, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh; trường học và bệnh viện luôn quá tải, môi trường đô thị xuống cấp...

Phân tích của chuyên gia xây dựng cho thấy tại Đông Nam bộ, dân số thành thị chiếm 57,1%, đây là vùng có tỷ trọng dân số thành thị cao nhất. Vùng này có ba trung tâm đô thị lớn là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng bằng sông Hồng có tỷ trọng dân số thành thị tương đối cao (29,2%). Vùng này có ba trung tâm đô thị lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng và thủ đô Hà Nội. Xét về tốc độ tăng trưởng thì đô thị hoá ở đồng bằng sông Hồng tăng nhanh hơn so với Đông Nam bộ. Tuy nhiên, điều kiện sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện chưa đáng kể so với tỷ lệ di cư và đô thị hoá.

Phát triển nhiều chung cư, nhà cho thuê

Theo dự báo, đến giữa thế kỷ 21 (tức vào những năm 2048 – 2050) dân số nước ta mới ổn định với quy mô khoảng 120 triệu người. Xuất phát từ đặc điểm đó, yêu cầu cần phải có kế hoạch dự trữ quỹ đất để xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch từng vùng, đặc biệt là những vùng kinh tế phát triển.

Theo tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay trên toàn quốc hiện còn khoảng 3,5 triệu hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ và thiếu kiên cố. Nhu cầu về nhà ở cho những người thu nhập thấp và những người mới di cư về các khu đô thị trong tương lai dự báo sẽ ở mức cao, cùng với việc đô thị hoá và việc phát triển kinh tế của đất nước, dân số đô thị đang tăng với tốc độ cao. Dân cư thành thị tăng nhanh chóng đang gây áp lực cho việc đảm bảo các điều kiện sống cho người nhập cư như nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị và môi trường. Loại hình nhà ở phù hợp với thu nhập và điều kiện sống cho người dân nhập cư nói riêng và dân đô thị nói chung cần phải nghiên cứu và quan tâm đến loại hình nhà chung cư để tiết kiệm quỹ đất đô thị. Theo ông Liêm, xu hướng quy mô số người trong mỗi hộ có chiều hướng giảm dần, phổ biến nhất hiện nay là hộ có bốn người trở xuống, vậy phát triển loại hình chung cư phù hợp nhất.

Xu hướng quy mô số người trong mỗi hộ có chiều hướng giảm dần, phổ biến nhất hiện nay là hộ có bốn người trở xuống, vậy phát triển loại hình chung cư phù hợp nhất.
Theo đề xuất của bộ Xây dựng, việc tổ chức, điều tiết di dân hợp lý trong phạm vi lãnh thổ quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để kiểm soát, điều tiết di dân trên cơ sở tôn trọng quyền tự do đi lại, cư trú của công dân một cách có hiệu quả, cần có chính sách giúp người lao động tại nông thôn tự nguyện ở lại quê nhà lập thân, lập nghiệp như đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đẩy mạnh khuyến nông, phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xã hội cho nông dân, phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp... Do đặc thù của quá trình phát triển kinh tế, giá nhà đất có thể sẽ tiếp tục tăng cao làm cho cơ hội của đại bộ phận người dân có thể sở hữu nhà ở riêng sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, cần phải xây dựng chính sách nhà ở xã hội để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được với vấn đề nhà ở. Để phù hợp với nhu cầu cần cải thiện chỗ ở, phù hợp với thu nhập người dân, cần đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở cho thuê. Quỹ nhà ở cho thuê được phát triển bởi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ về đất, tài chính, cơ sở pháp lý. Về vấn đề sở hữu nhà, bộ Xây dựng đề xuất cần nghiên cứu cơ chế về việc sở hữu nhà ở có thời hạn, đặc biệt là nhà ở chung cư. Việc quy định sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà cũ.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị cần có chính sách phát triển đồng bộ đô thị (quy mô dân số, quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,…); tiến hành hướng dẫn quy hoạch phân bổ hợp lý các khu công nghiệp, khu đô thị tại các thành phố trên cả nước, phát triển giao thông ngoại tuyến. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp, đồng thời tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực của đô thị. Cùng với các nguồn hỗ trợ phát triển mà đô thị có được, thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư cho phát triển đô thị. Phát triển đa dạng các loại nhà ở để bán và cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư; khuyến khích phát triển nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị để góp phần tăng quỹ nhà ở, tiết kiệm đất đai, tạo nếp sống văn minh đô thị; hạn chế, tiến tới chấm dứt việc giao đất lẻ cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở tự phát tại các đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị